Nọc ong mặt quỷ độc không kém nọc rắn
Xã hội - Ngày đăng : 14:48, 31/08/2010
Cần hết sức cẩn trọng với ong mặt quỷ, vì nọc của nó độc không kém nọc rắn - Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam cảnh báo sau vụ một học sinh 6 tuổi ở Lào Cai bị ong đốt chết.
Ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam đã cảnh báo như trên sau vụ ong mặt quỷ tấn công trường học tại thôn Tả Tòng Sành (Bát Xát, Lào Cai) khiến 1 học sinh tử vong,
Sáng 27/8, 2 cô giáo, 2 phụ huynh và 15 học sinh ở thôn Tả Tòng Sành bất ngờ bị ong mặt quỷ tấn công. Trong số 19 người này có 6 người được đưa đi cấp cứu sáng 27.8. Riêng em Chảo Láo Lở, 6 tuổi, dân tộc Dao, do bị ong đốt quá nặng nên đã tử vong chiều cùng ngày.
Ong mặt quỷ (Ảnh:poppyshop.de) |
Ông Tâm cho biết, khác với các loài ong mật, ong mặt quỷ có thể làm tổ được cả ở dưới đất và trên cây. Đặc biệt, đây là loại côn trùng có nọc độc cực mạnh, có thể tái tạo nọc nhiều lần. Khác với loài ong mật, sau khi đốt hết nọc độc, chúng sẽ chết, còn ong mặt quỷ không chỉ đốt một lần mà có thể nhiều lần. Nọc của loài ong này độc giống như nọc rắn, do vậy nếu không may bị tấn công phải khẩn trương đến cơ sở y tế gần nhất để giải độc.
“Ong mặt quỷ rất dữ tợn, khi tấn công thường kéo theo cả đàn và truy đuổi đến cùng. Vì vậy nếu phát hiện tổ ong này gần khu dân cư, người dân cần đốt tổ ngay”, ông Tâm nói.
Trong trường hợp không may bị tấn công, cần lánh ẩn nhanh, tránh để nhiều con đốt cùng một lúc vì khi đó nọc độc sẽ tăng lên gấp bội, gây sốc phản vệ. Những trường hợp bị nhiều con ong mặt quỷ đốt cùng lúc, nếu có giải độc kịp thời cũng rất dễ gây suy tim, thận. Bởi vì nọc độc này ngấm rất nhanh vào cơ thể.
Theo ông Tâm, khi bị ong mặt quỷ tấn công, nạn nhân nên nhanh chóng vào nhà và khép cửa, chui vào màn, hay nhảy xuống ao có nước để tránh. Khi không tiếp cận được đối tượng, loài ong này sẽ bỏ đi.
TS Trương Xuân Lam, trưởng phòng Côn trùng học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết: ong mặt quỷ thuộc họ Vespidae, cùng họ với ong đất, là loài ong to, ăn thịt. Loài này thường sống ở các địa phương miền núi, vùng tự nhiên hoặc cận tự nhiên, ít có ở khu vực đồng bằng. Ong mặt quỷ chỉ tấn công người và động vật khi chúng bị đánh động. Giống như nhiều loài ong khác, khi đốt, ong mặt quỷ để lại cái phần vòi trong cơ thể đối tượng bị đốt, gây sưng tấy, gây sốt. Nếu trẻ nhỏ, chỉ cần 3-5 con ong mặt quỷ đốt có thể gây tử vong; với người lớn, khoảng 20 con đốt thì có thể gây sốt, dẫn đến tử vong. M.Đồng |