Đâu phải chỉ tại “đường ngang”
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 31/08/2010
Tuy nhiên, nhìn nhận thấu đáo vấn đề, nguyên nhân chính không phải là bởi đường ngang mà là bởi công tác quản lý còn kém, trong khi ý thức của người tham gia giao thông lại quá thấp.
Tử thần chờ ở đường ngang
Rào chắn là biện pháp hạn chế tai nạn giao thông đường sắt. Ảnh: Lê Tuấn
Tai nạn giao thông tại đường ngang giữa tàu hỏa và các phương tiện giao thông khác từ lâu đã gây bức xúc không chỉ cho ngành đường sắt mà làm nhức nhối cả xã hội. Chỉ trong vòng 2 tuần giữa tháng 8, tại Duy Tiên, Hà Nam liên tiếp xảy ra hai vụ va chạm kinh hoàng giữa xe tải và tàu hỏa. Ngày 6-8, xe tải biển kiểm soát 90T-6816 chở quá tải, cố tình vượt đường ngang khi tàu hỏa đang lao tới và bị tàu TN6 đâm phải. Hậu quả, đầu máy tàu TN6 và hai toa kế tiếp bị đổ, thiệt hại hàng tỷ đồng. Để bảo đảm an toàn tối đa cho tàu, hành khách, lái tàu đã chấp nhận gánh chịu rủi ro và bị kẹt cứng trong buồng lái với vết thương nghiêm trọng. Chẳng lâu sau, ngày 19-8, cũng tại Duy Tiên, Hà Nam, xe tải biển kiểm soát 20KT-0038 cố tình vượt đường ngang và bị tàu SE8 đâm, lái xe tải chết kẹt ngay trong ca bin. Trong thời gian này, tại Quảng Bình, Bình Định cũng xảy ra tai nạn đường sắt nghiêm trọng khi tàu hỏa đâm phải xe máy tại đường ngang làm 2-3 người thiệt mạng cùng lúc trong 1 vụ. Xa hơn một chút, ngày 27-7-2010, tại Ngọc Hồi, Thanh Trì, xe ô tô matiz biển kiểm soát 29S-6179 chở 5 người, khi băng qua đường ngang bị tàu hỏa đâm khiến 2 người chết ngay tại chỗ. Và chắc hẳn nhiều người chẳng thể quên vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào ngày 22-11-2009, khi xe khách biển kiểm soát 30S-2371 chở một đám ăn hỏi đã bị tàu hỏa đâm tại Thường Tín làm hơn chục người chết, bị thương.
Biết nhưng bất lực?
Tai nạn giao thông đường sắt phần lớn xảy ra tại đường ngang và hậu quả thường hết sức thương tâm. Điều này đã được các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo từ nhiều năm qua. Theo Cục Đường sắt Việt Nam, hơn 80% số vụ tai nạn đường sắt có liên quan tới đường ngang. Gọi là tai nạn giao thông đường sắt, nhưng phần lớn do người tham gia giao thông đường bộ gây ra khi cố tình vượt qua đường sắt dù có tín hiệu cảnh báo, hoặc do thiếu quan sát. Ý thức của người tham gia giao thông kém đã được nói nhiều, nhưng xem ra chưa được cải thiện là bao. Lái xe ô tô được đào tạo rất kỹ về Luật Giao thông đường bộ, nhưng tất cả các vụ tai nạn thống kê nói trên đều do lái xe vô ý thức, cố vượt đường ngang gây nên, huống chi người điều khiển xe máy.
Ý thức kém thì phải trả giá, nhưng còn làm liên lụy đến nhiều người. Đâu là giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề khi tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông chưa có hiệu quả? Rõ ràng cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, không chỉ chuyên ngành mà ở mỗi địa phương có đường sắt đi qua. Theo Cục Đường sắt Việt Nam, cả nước hiện nay có 1.531 đường ngang hợp pháp và hơn 4.700 đường ngang bất hợp pháp, phần lớn nằm trên tuyến đường sắt Thống Nhất. Tuy nhiên, không phải tất cả các đường ngang hợp pháp đều có gác chắn hoặc thiết bị cảnh báo tự động. Trong khi đó, các đường ngang dân sinh mở tự phát không những không giảm mà còn liên tục tăng, không hề có gác chắn, cảnh báo. Độ an toàn vì vậy càng thấp. Đó là chưa kể đường ngang mở tự phát thường che chắn tầm quan sát, gây khó khăn cho người tham gia giao thông phát hiện và tránh tàu hỏa. Đường ngang bất hợp pháp chính là nơi thường xảy ra tai nạn, nhưng đường ngang không có lỗi, có chăng là công tác quản lý hiện nay chưa tốt. Nếu quản lý tốt, chắc hẳn đường ngang bất hợp pháp sẽ không xuất hiện nhiều đến như vậy. Tuy nhiên, riêng ngành đường sắt rõ ràng không đủ sức giải quyết vấn nạn này nếu không có sự tham gia của các địa phương. Cả xã hội thực sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, hành lang an toàn giao thông đường sắt sẽ được lập lại vì sự an toàn, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.