Nhiều bất cập trong thực hiện "một cửa"

Chính trị - Ngày đăng : 06:34, 31/08/2010

(HNM) - Việc tổ chức bộ phận


Gần 70% cán bộ cấp xã kiêm nhiệm


Tra cứu thông tin tại bộ phận “một cửa” quận Hà Đông. Ảnh: Thái Hiền


Thực hiện Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quy chế "một cửa" tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước (QLHCNN), hầu hết các đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội và Hà Tây (cũ) đã bố trí, tổ chức thực hiện. Sau khi hợp nhất, UBND TP cũng đã ban hành quy định về việc thực hiện cơ chế "một cửa'', ''một cửa liên thông" trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan QLHCNN thuộc TP Hà Nội. Theo đó, đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP đều bố trí cán bộ, công chức (CBCC) làm việc tại "một cửa"; hầu hết các đơn vị thực hiện đúng việc bố trí cán bộ trưởng bộ phận "một cửa". Tuy nhiên, hiện nay, toàn TP mới chỉ có 664 cán bộ chuyên trách trong tổng số 2.152 CBCC làm việc tại bộ phận "một cửa" thuộc các cơ quan, UBND các cấp. Đáng chú ý, UBND cấp xã đang sử dụng cán bộ hợp đồng và công chức kiêm nhiệm với tỷ lệ khá cao (69,1%). Đây thực sự là vấn đề cần sớm được quan tâm, tháo gỡ, bởi công việc của cán bộ "một cửa" nhiều áp lực, đòi hỏi kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn cao. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ của TP và của đơn vị dành cho đối tượng này còn chưa phù hợp.

Theo Quyết định số 2748/QĐ-UBND của UBND TP ngày 24-12-2008 về chế độ phụ cấp đối với CBCC làm việc tại bộ phận "một cửa" của cấp xã là 300.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng tiền trang phục/năm. Song việc thực hiện chế độ này còn chậm, thậm chí có xã vẫn chưa thực hiện nên không bảo đảm đời sống để cán bộ yên tâm công tác. Hơn nữa, việc sử dụng cán bộ hợp đồng sẽ rất khó quy trách nhiệm, khó xử lý nếu họ để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cùng cấp vẫn… chênh lệch

Về cơ bản, các đơn vị quận, huyện chú trọng việc tổ chức, xây dựng "một cửa" theo đúng yêu cầu. Quận Hoàng Mai đã bố trí một tòa nhà rộng 294m2 chỉ để phục vụ công tác tiếp dân, tiếp nhận hồ sơ hành chính. "Một cửa" của UBND quận có hệ thống xếp hàng tự động, niêm yết đầy đủ bảng biểu theo quy định; phát miễn phí các văn bản in rõ các bước thực hiện của từng loại thủ tục để công dân dễ hoàn chỉnh hồ sơ… Do vậy, dù quận có lượng giao dịch khá lớn (trung bình 1 tuần tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ) nhưng tỷ lệ giải quyết vẫn đạt từ 95% đến 97%. Tương tự, các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Tây Hồ, Hà Đông, Thanh Xuân… cũng tổ chức thực hiện "một cửa" nghiêm túc, được TP đánh giá cao. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều đơn vị không thực hiện đầy đủ các quy định của TƯ và TP, như huyện Phúc Thọ bố trí địa điểm "một cửa" ở gầm cầu thang, không thuận tiện cho công dân đến giao dịch, vẫn niêm yết các công văn đã hết hiệu lực... Riêng cơ sở vật chất của cấp xã còn "khiêm tốn'' hơn nhiều, cả TP hiện chỉ có huyện Từ Liêm hoàn thành việc xây dựng trụ sở UBND xã bảo đảm chất lượng.

Theo thống kê của Phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội), lượng hồ sơ mà cán bộ cấp phường và cấp xã phải xử lý có độ chênh lệch lớn. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2010, "một cửa" phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) tiếp nhận 23.059 hồ sơ; trong khi đó, xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) và xã Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) chỉ tiếp nhận 10 hồ sơ/4 tháng. Huyện Từ Liêm (có lượng giao dịch nhiều nhất) thì một cán bộ phải giải quyết 19 hồ sơ/ngày, còn huyện Ứng Hòa tiếp nhận và giải quyết trung bình 0,5 hồ sơ/ngày. Ở cấp sở, trung bình một cán bộ giải quyết nhiều hồ sơ nhất là 45,7 hồ sơ/ngày và ít nhất là 0,2 hồ sơ/ngày. Điều đó cho thấy có sự chênh lệch lớn về cường độ làm việc của cán bộ "một cửa" giữa các đơn vị cùng cấp. Ông Phùng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân một phần là do khách quan (cơ chế bố trí sử dụng cán bộ, tính phức tạp của hồ sơ…), một phần do năng lực và hiệu quả làm việc của CBCC. Một số đơn vị chất lượng tiếp nhận hồ sơ không cao, do vậy cũng làm khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết của các cơ quan chuyên môn.

Hiền Chi