Công trình cấp nước sạch tốn tiền tỷ để… “đắp chiếu”

Đời sống - Ngày đăng : 19:41, 30/08/2010

(HNMO)- Trong khi nhân dân ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang rất “khát” nước sạch, thì tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã và đang xảy ra tình trạng trái ngược hoàn toàn. Hơn 8 năm nay, công trình cấp nước sạch ở đây, với kinh phí xây dựng lên đến hàng tỷ đồng nhưng đành… bỏ không vì người dân không có nhu cầu sử dụng.

Đóng cửa sau hơn 1 năm hoạt động

Năm 2000, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng trạm cấp nước xã Phù Đổng. Dự án có tổng mức đầu tư gần 4,46 tỷ đồng và Ban quản lý dự án huyện Gia Lâm được giao làm chủ đầu tư. Đầu năm 2001, công trình được khởi công xây dựng, với các hạng mục, như: 1 cụm giếng khoan và bơm khai thác công suất 120 m3/h/giếng; cụm xử lý nước 1.440 m3/ngày- đêm (gồm 1 tháp cao tải, 1 bể lắng, 3 bể lọc); bể chứa 200 m3; nhà điều hành (bao gồm: 1 phòng làm việc, 1 phòng bơm cấp 2, 1 phòng khử trùng); đường trục chính và đường nhánh (D32-200= 22.659 m). Đến tháng 12- 2001, Trạm cấp nước xã Phù Đổng hoàn thành và được bàn giao cho UBND xã quản lý, sử dụng.

Công trình hàng tỷ không được đưa vào sử dụng đang dần rêu phong cùng mưa nắng


Sau khi tiếp nhận quản lý, UBND xã Phù Đổng đã giao lại cho Hợp tác xã dịch vụ, nông nghiệp (DVNN) Phù Đổng duy trì vận hành hoạt động của trạm cấp nước sạch. Ông Nguyễn Quang Kỷ- người được Ban quản trị HTX DVNN Phù Đổng giao phụ trách trạm cấp nước cho biết, quá trình đưa vào vận hành, trạm cấp nước không hề xảy ra sự cố gì về kỹ thuật, hoạt động khá trơn tru. Song điều đáng nói, số gia đình có nhu cầu sử dụng dịch vụ nước sạch từ trạm cung cấp lại quá “khiêm tốn” so với tổng số hộ trên địa bàn. Tính đến năm 2004, toàn xã mới chỉ có khoảng 100 hộ trong tổng số gần 3.000 hộ dân lắp đặt hệ thống đường ống, đồng hồ sử dụng nước. Để khuyến khích nhân dân trong xã sử dụng nước sạch, xã đã không thu phí nước sạch của các hộ sử dụng, mà phải bao cấp toàn bộ chi phí để duy trì hoạt động của trạm cấp nước trong khoảng một năm rưỡi. Theo ông Kỷ, thời điểm đó, trạm bơm duy trì bơm nước 2 lần/ngày để đảm bảo nước sinh hoạt cho các hộ.

Tuy nhiên, việc “khuyến mãi” trên cũng không thể duy trì được mãi vì kinh phí của xã có hạn, hơn nữa chẳng có thêm hộ dân nào “mặn mà” với dịch vụ cấp nước sạch của xã. Do vậy, xã quyết định tạm dừng hoạt động cung cấp nước sạch cho các hộ dân. Và việc tạm dừng đó kéo dài cho đến tận bây giờ. Để tránh rỉ sét máy bơm, khoảng 7 năm nay, mỗi tuần một lần, ông Kỷ có nhiệm vụ vận hành trạm để cung cấp nước sinh hoạt cho trụ sở hợp tác xã và mấy hộ công nhân thuê nhà quanh khu vực trạm cấp nước.

Phải chăng “chạy” được dự án… cứ “chạy”?

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc người dân trên địa bàn xã chưa thật thiết tha với việc dùng nước sạch từ trạm cấp nước do thói quen dùng nước giếng khoan, nước mưa trong sinh hoạt và ăn uống chỉ là thứ yếu. Nguyên nhân chính ở đây là do chi phí để lắp đặt đường ống dẫn nước từ trục chính về gia đình và đồng hồ đo nước khá tốn kém, trong khi thu nhập của họ còn eo hẹp. Qua tìm hiểu được biết, vào thời điểm năm 2002, bình quân mỗi hộ dân trên địa bàn xã Phù Đổng phải chi phí gần 1 triệu đồng để lắp đặt đồng hồ và đường ống khi muốn sử dụng nước sạch. Theo ông Nguyễn Quang Kỷ, do địa bàn xã trải rộng, trong khi kinh phí đầu tư của dự án có hạn nên một vài xóm, cụm dân cư chưa được lắp đặt đường ống trục chính. Vì thế, nếu các hộ dân ở đây có nhu cầu lắp đặt đường ống dùng nước sạch cũng không thể đáp ứng được. Ngoài ra, phần lớn các hộ dân cho rằng, sử dụng nước sạch, hàng tháng lại phải mất thêm một khoản phí nên tốt nhất là không dùng.

Theo một cán bộ của Ban quản lý dự án huyện Gia Lâm, để cải tạo, nâng cấp và sửa chữa trạm cấp nước Phù Đổng hiện nay, ước tính phải mất thêm 10 tỷ đồng kinh phí đầu tư. Bởi, ngoài đầu tư xây dựng, lắp đặt lại toàn bộ hệ thống ống cấp nước; xây dựng thêm một giếng bơm dự phòng (dự án trước đây không hề tính đến)… còn cộng thêm cả sự trượt giá của vật tư, vật liệu.

Do lâu ngày không hoạt động dẫn đến hệ quả tất yếu là nhiều hạng mục của công trình trạm cấp nước Phù Đổng đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND xã Phù Đổng, đến thời điểm này, công suất máy bơm của trạm cấp nước chỉ đạt 30 m3/h (công suất thiết kế 120 m3/h/giếng). Một số hạng mục, như: nhà trạm bơm, hệ thống bơm cấp 2, hệ thống khử trùng, bể lắng lọc đã xuống cấp nghiêm trọng; nhiều hạng mục khác thì bị hư hỏng, rỉ sét. Song, nghiêm trọng hơn cả, hệ thống đường ống cấp nước đến thời điểm này được đánh giá là không thể sử dụng được vì bị han rỉ, bục vỡ… do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân một số công trình phúc lợi của xã như đường làng, ngõ xóm xây lên trên hệ thống đường ống có đoạn dày tới 50-70 cm. Được biết, kinh phí đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống đường ống chiếm khoảng 30% tổng mức đầu tư của dự án.

Đường ống tại trạm bơm cấp nước sạch xã Phù Đổng đã bị hoen rỉ vì không được bảo dưỡng thường xuyên


Thật xót xa, một dự án có kinh phí gần 4,5 tỷ đồng (xin nhớ vào thời điểm năm 2000, 2001) phục vụ đời sống dân sinh lại để xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng, không đem lại hiệu quả như mong muốn! Rõ ràng, đây là sự lãng phí tiền của ngân sách. Theo lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm, để xảy ra tình trạng này không thể phủ nhận trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Phù Đổng (thời điểm trình dự án), bởi đã quá nôn nóng, vội vàng để “kéo” dự án về địa phương, trong khi không tính đếm hết được nhu cầu sử dụng của nhân dân địa phương.

Hiện, UBND huyện Gia Lâm và xã Phù Đổng đang kiến nghị UBND thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp và sửa chữa trạm cấp nước để sớm đưa công trình vào hoạt động. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, nếu như chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không tính toán, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu của nhân dân địa phương hiện nay, thì UBND thành phố có chấp thuận phê duyệt kiến nghị trên, chắc chắn sẽ lặp lại tình trạng lãng phí trong đầu tư như giai đoạn trước.

Đức Hải