Vỏ bọc của trái đất bất ngờ co lại

Công nghệ - Ngày đăng : 15:07, 30/08/2010

Tầng nhiệt quyển, một phần của bầu khí quyển bao bọc quanh trái đất, đang bất ngờ co lại và lạnh hơn do bức xạ cực tím từ mặt trời giảm.

Thể tích tầng nhiệt quyển của trái đất trong năm 2008 giảm 30% so với năm 1996. Ảnh: nsf.gov.

Phân bố ở độ cao từ 50 tới 800 km so với mực nước biển, tầng nhiệt quyển (thermosphere) của trái đất nằm dưới tầng ngoại quyển và trên tầng trung lưu. Nhiệt độ ở tầng nhiệt quyển tăng theo độ cao.

AFP dẫn lời các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ cho biết, lượng bức xạ mà khí quyển địa cầu nhận từ mặt trời giảm một cách bất thường từ năm 2007 tới năm 2009. Đây là giai đoạn mà các vụ nổ và bão từ hầu như không xuất hiện trên mặt trời.

Trong giai đoạn đó, tầng nhiệt quyển (nằm ở độ cao từ 80 tới 500 km) co lại do sự suy giảm mạnh của bức xạ cực tím. Đây là kết luận của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters của Liên minh Địa vật lý Mỹ.

Nếu so với năm 1996, nhiệt độ của tầng nhiệt quyển trong năm 2008 giảm 41 độ C, còn thể tích giảm 30%. Đây là mức suy giảm nhiệt độ và thể tích lớn nhất trong 43 năm kể từ khi con người bắt đầu thám hiểm vũ trụ.

Giáo sư Thomas Woods - một chuyên gia của Đại học Colorado, Mỹ - nói rằng khi tầng nhiệt quyển trở nên hẹp và loãng hơn thì hoạt động của các vệ tinh nhân tạo xung quanh trái đất (trong đó có Trạm Không gian quốc tế) sẽ trở nên thuận lợi hơn. Theo lời giải thích của ông, tầng nhiệt quyển càng mỏng và loãng thì lực ma sát càng giảm, nhờ đó vệ tinh có thể bay nhanh hơn và lâu hơn.

“Sự co rút của tầng nhiệt quyển là tin tốt đối với những vệ tinh nhân tạo đang hoạt động, nhưng nó cũng là tin xấu bởi sự hiện diện của vài nghìn mảnh rác đang trôi nổi trong vũ trụ. Khả năng va chạm của chúng với các vệ tinh nhân tạo cũng tăng lên khi tầng nhiệt quyển co lại”, ông bình luận.

Theo Woods, nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp cho thấy hoạt động của mặt trời có thể trải qua một thời kỳ tượng đối bình lặng trong những năm đầu thế kỷ 21. Tình trạng tương tự từng xảy ra vào đầu thế kỷ 19 và 20.

Minh Long