Trung đoàn mang tên dòng sông

Giới trẻ - Ngày đăng : 12:53, 30/08/2010

Bộ đội ở trong dân.

Cựu chiến binh Trung đoàn 64 viếng đồng đội

(HNM) - Đã cuối giờ chiều mà cái nắng xứ Thanh vẫn tãi một màu vàng ruộm đến tận ngọn đồi phía trước doanh trại. Bên kia ao cá, đàn bò thảnh thơi đứng gặm cỏ. Vài tốp bộ đội vác cuốc trên vai thủng thẳng đi về hướng doanh trại. Khung cảnh thật thanh bình, chỉ có sân bóng chuyền trước nhà tiểu đoàn 8 là rộn tiếng reo hò chen lẫn tiếng đập bóng bình bịch…

Dù đã được giới thiệu trước Trung đoàn 64 (Sư đoàn 390, Quân đoàn 1) là đơn vị “ka tê tê” (KTT: khung thường trực), nhưng lúc mới đến chúng tôi vẫn có cảm giác bị hẫng. Không có không khí thao trường sôi động thường thấy ở các đơn vị chúng tôi đã có dịp đến, mà ấn tượng đầu tiên là một khung cảnh ắng lặng, càng không có vẻ gì của một đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang cả.

Đem những thắc mắc ấy hỏi chỉ huy Trung đoàn, mới hay đơn vị vừa kết thúc một đợt huấn luyện dự bị động viên. Thượng tá Nguyễn Xuân Duyên, Chính ủy Trung đoàn, cho biết, vì là đơn vị “KTT” nên “bộ đội ở trong dân”, thường trực ở Trung đoàn chỉ hơn 40 người, chủ yếu là sỹ quan, cán bộ khung. Ít người nhưng doanh trại nom khang trang, sạch đẹp, đặc biệt là được bao phủ một màu xanh ngút mắt.

Đi thăm cơ ngơi đơn vị, chúng tôi đã thoáng nghĩ: Chừng ấy người mà “quản” tới 43ha, những lo cắt cỏ cũng đủ mệt. Thế nhưng, vườn tăng gia của đơn vị rộng mênh mông, đủ loại rau xanh, từ mồng tơi, rau ngót, rau muống, rau đay mơn mởn đến bầu, bí, cà, ớt lúc lỉu; 4.500 m2 mặt nước thả cá các loại; gà, ngan, vịt cả ngàn con, ngoài ra còn đàn lợn, bò; đáng kể là đơn vị đang nuôi thử nghiệm hai chục cá sấu, con nào con nấy đã bằng cỡ bắp chân…

Tính ra, khu tăng gia mỗi năm cũng cho thu hoạch 180kg rau xanh/người/năm, 15kg cá và 26kg thịt các loại/người/năm, cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Các nhà báo được thưởng thức bữa trưa khá thịnh soạn, hầu hết các món được chế biến từ nguồn tăng gia.

Đặc biệt, trước bữa cơm, một cán bộ Trung đoàn vui vẻ giới thiệu, rằng căn phòng đơn sơ chúng tôi đang ngồi từng là phòng làm việc của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thì ra, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, đương kim Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từng có thời kỳ đảm nhiệm chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64…

Buổi chiều, sau cuộc họp trên Quân đoàn, Thượng tá Trần Thanh Phương, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, và Thượng tá Nguyễn Xuân Duyên, Chính ủy Trung đoàn, đã tiếp chúng tôi. Thượng tá Phương cho biết: Trung đoàn 64 có nhiệm vụ trọng tâm là thường xuyên phúc tra, thâm nhập, quản lý, huấn luyện nguồn dự bị động viên trên địa bàn huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa).

Với phương châm “Luôn đổi mới phương pháp huấn luyện, lấy huấn luyện cán bộ khung A, khung B là then chốt, huấn luyện phân đội dự bị động viên là cơ sở”, Trung đoàn đã coi trọng huấn luyện thực hành để nâng cao trình độ, năng lực tổ chức chỉ huy huấn luyện của cán bộ các cấp, trình độ tác chiến, hiệp đồng tác chiến của các phân đội, đồng thời tổ chức hội thao, hội thi cho cán bộ Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên, Đại đội trưởng luôn đạt kết quả tốt, những năm gần đây các khoa mục huấn luyện luôn đạt yêu cầu, tỷ lệ khá giỏi đạt 79,51%.

Nụ cười chiến thắng bên Thành Cổ (ảnh Đoàn Công Tính)

Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ huy quân sự địa phương, tổ chức phúc tra, nắm nguồn, củng cố, xây dựng, huấn luyện lực lượng dự bị động viên, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện chiến đấu với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật để nâng cao trách nhiệm và kiến thức cho lực lượng dự bị động viên; kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, có 55,3% đạt khá giỏi…

Những trang sử vàng

Lúc mới đến cổng Trung đoàn, đồng nghiệp trẻ đã thắc mắc về dòng chữ “Trung đoàn Vĩnh Định” trên khẩu hiệu ở ngoài cổng đơn vị. Quả thực là với thế hệ trẻ bây giờ, hai chữ “Vĩnh Định” có thể không nói lên điều gì, song, với những người cựu chiến binh Trung đoàn 64, mỗi lần nhắc đến cái tên “Vĩnh Định” lại gợi nhớ cả một miền ký ức. Đó là những ký ức hào hùng mà bi tráng của những ngày chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, trong “mùa hè đỏ lửa 1972”.

Trở về Hà Nội, chúng tôi tìm gặp một số cựu chiến binh, nhờ đó biết rõ hơn truyền thống của đơn vị. Trung đoàn 64-Sư đoàn 320 thành lập ngày 22-1-1946, đã lập nhiều thành tích lẫy lừng trong kháng chiến chống Pháp, hai lần được Bác Hồ khen, tặng danh hiệu “Trung đoàn Quyết thắng” và “Trung đoàn dũng cảm, đánh hăng”.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn 320 được tách làm 2 khung sư đoàn, gồm Sư đoàn 320A và Sư 320B. Sư 320B, trong đó có Trung đoàn 64, làm nhiệm vụ huấn luyện để chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Sư đoàn 320B được điều động làm nhiệm vụ cơ động sẵn sàng chiến đấu.

Sau mấy tháng kể từ khi nhận quân (tháng 1-1972), huấn luyện tân binh ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa), rồi Diễn Châu, Yên Thành (Nghệ An), ngày 30-5-1972, Trung đoàn 64 lên đường hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Những ngày tháng gian khổ cùng những chiến công đang chờ họ ở phía trước.

Cần nhắc lại đôi chút để thế hệ trẻ bây giờ hiểu thêm những trang sử bi tráng nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, đồng thời nắm rõ hơn truyền thống oanh liệt của Trung đoàn 64. Sau hơn 1 tháng quân ta dội “bão lửa” đập tan hệ thống phòng ngự kiên cố địch thường huyênh hoang là “bất khả chiến bại”, ngày 2-5-1972, toàn bộ tỉnh Quảng Trị- vị trí đầu cầu chiến lược được giải phóng.

Không chịu nổi thất bại ê chề này và nhằm cứu vãn tình thế ở Hội nghị Paris, ngụy quyền Sài Gòn tập trung binh lực, được hậu thuẫn tối đa của vũ khí hiện đại và cố vấn Mỹ, hòng tái chiếm Quảng Trị. Một cuộc chiến khốc liệt giành giật từng tấc đất diễn ra trong suốt nửa cuối năm 1972, đặc biệt ác liệt nhất trong 81 ngày đêm, từ 28-6 đến 16-9-1972.

Đáng nói là trận đánh này không chỉ xảy ra ở Thành cổ và thị xã Quảng Trị, mà trên toàn tỉnh Quảng Trị, từ cánh Đông-duyên hải đến cánh Tây-rừng núi. Một cuộc chiến được coi là ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam…

Hành quân vào chiến trường, Trung đoàn 64 đứng chân ở đồng bằng ven biển phía Bắc huyện Hải Lăng và phía Đông Nam huyện Triệu Phong, thuộc mặt trận cánh Đông. Địa hình tác chiến chủ yếu nằm dọc sông Vĩnh Định, một nhánh của sông Thạch Hãn (vì thế mà Trung đoàn mang biệt danh “Trung đoàn Vĩnh Định”).

Đêm 27-6, tiểu đoàn 9, đơn vị chủ công của Trung đoàn, được tăng cường 2 đại đội thiếu, vượt qua “bức tường lửa” của bom B52, pháo hạm và pháo mặt đất, vào chốt ở hai thôn Đồng Dương, Diên Khánh. Sáng sớm ngày 28-6, 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến cùng 3 chi đoàn tăng thiết giáp, được phi pháo dọn đường, máy bay lên thẳng yểm trợ, đã chia làm hai mũi, tạo thế gọng kìm tấn công vào khu vực d9 chốt giữ.

Quãng 8h sáng, d9 được lệnh nổ súng, mở màn cuộc chiến đấu của Trung đoàn 64 ở Quảng Trị. Tại mũi thứ nhất hướng chính diện, quân ta phải đương đầu với 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và 2 chi đoàn xe tăng. Khi địch chỉ cách chốt tiền tiêu khoảng 300 mét thì khẩu DKZ của của đại đội 11 khai hỏa, phát đạn đầu đã thiêu cháy chiếc xe tăng đi đầu của địch.

Cả trận địa rộn lên tiếng súng, đạn B40, B41, AK… nhất loạt chụp xuống đội hình địch, quật ngã vô số tên. Cùng lúc, trận địa 12 ly 7 của đại đội 12, do khẩu đội trưởng Vũ Thanh Bình chỉ huy, cũng “vít cổ” 1 chiếc trực thăng xuống cát. Bị đánh phủ đầu, địch phơi xác trước trận địa, bọn còn lại mạnh đứa nào đứa nấy chạy, bầy trực thăng cũng hốt hoảng vọt lên cao, tan tác như ong vỡ tổ.

Tại mũi thứ hai, 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến có xe tăng đi cùng, phối hợp với lực lượng đổ bộ đường biển đánh vào phía đông trận địa. Ở hướng này, địch vô cùng xảo quyệt, dã man đã đẩy hàng trăm phụ nữ, người già, trẻ em đi trước làm bia đỡ đạn. Làm thế nào để đánh địch mà vẫn bảo toàn tính mạng cho dân? Một tình huống phức tạp, cấp bách đặt ra đối với các chiến sỹ đại đội 9.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình được giao chỉ huy một tổ thực hiện kế hoạch cứu dân. Mặc đạn địch bắn như vãi trấu, cả tổ trườn trên bãi cát trống trải, tiếp cận đám đông đang bị xua lên phía trước. Khi đã ở khoảng cách rất gần, Bình bắn vài loạt đạn lên trời rồi hô to cho bà con nằm rạp xuống.

Thấy địch không còn được che chắn nữa, tổ của Bình bắn bồi mấy loạt đạn, vừa bắn vừa lui để dụ chúng đuổi theo nhằm tách xa những người dân vô tội. Địch xua quân ào lên hòng bắt sống “mấy tên Việt Cộng sống sót sau mấy ngày quân đội Cộng hòa dội bom pháo”. Thế là chúng tự dẫn xác đến trận địa của ta. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Bốn hạ lệnh nổ súng.

Loạt đạn đầu của hai chiến sỹ Lục và Trang đã kết liễu tên chỉ huy và tên lính mang máy thông tin PRC-25. Từ các công sự của ta, đạn AK, trung liên, đại liên, B40, B41 nổ ròn rã, xé nát đội hình địch, tiêu diệt một số tên. Số còn lại hốt hoảng lùi ra sau các cồn cát, dùng cối cá nhân bắn như mưa vào trận địa. Đại đội 9 tập trung hỏa lực ghìm địch xuống rồi ào ạt xung phong.

Bị phản kích bất ngờ, không chống cự nổi, địch bỏ chạy tán loạn, để lại hơn 100 xác chết và nhiều vũ khí, trang bị. Bị đánh bật cả ở hai mũi, địch gọi máy bay và pháo thay nhau đánh phá suốt nhiều giờ rồi mở đợt tấn công mới. Trong ngày hôm đó, với lực lượng 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 2 chi đoàn tăng thiết giáp, 20 máy bay lên thẳng cùng sự chi viện tối đa của không quân và pháo binh, địch mở tới 6 đợt tấn công nhưng vẫn không chiếm nổi Đồng Dương, Diên Khánh.

Ngay trận đầu ra quân, cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 64 đã phát huy truyền thống “Trung đoàn Quyết thắng”, “Dũng cảm, đánh hăng”, đánh thắng địch, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó…

Vườn rau tăng gia của trung đoàn 

Noi gương d9, cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 8 cũng ra sức đánh giặc, lập công. Đáng chú ý là thời điểm Trung đoàn bắt đầu nổ súng chiến đấu cũng chính là thời điểm địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 72 nhằm tái chiếm Quảng Trị. Trong khuôn khổ một bài báo, thật khó mà kể hết những câu chuyện mà các cựu chiến binh đã kể về những chiến công oanh liệt của Trung đoàn.

Trong 5 tháng mùa mưa 1972, Trung đoàn đã kiên cường bám trụ, quyết chiến quyết thắng, đánh 230 trận, diệt hơn 5.000 tên địch, bắn cháy 70 xe tăng, thiết giáp và xe quân sự, bắn rơi 49 máy bay… Những trận đánh Trung đoàn tham gia như Đồng Dương- Diên Khánh, nhà thờ Trí Bưu, Bích La Đông, Thành Cổ, Phương Lang Đông, “chốt thép Long Quang”, trận đánh Cảng Cửa Việt đập tan cuộc hành quân Tănggô Xity của địch…, đã trở thành những trang sử vàng của dân tộc. Sau chiến dịch, Trung đoàn lui về hậu phương để củng cố lực lượng rồi tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...

Trong số những đơn vị, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ” năm 2010, có tên Trung đoàn 64 – Trung đoàn Vĩnh Định và đồng chí Giang Văn Thành, nguyên Đại đội trưởng đại đội 6, tiểu đoàn 8 của Trung đoàn.

Chia vui với đội ngũ kế cận của Trung đoàn, những “người lính già đầu bạc” rưng rưng nhớ về những đồng đội vĩnh viễn nằm lại chiến trường xưa. Cựu chiến binh Hoàng Điệp, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, nghẹn ngào nói: “Lúc hành quân vào chiến trường, e64 có hơn 2.000 quân, quá trình chiến đấu được bổ sung nhiều đợt. Sau chiến dịch Quảng Trị, toàn Trung đoàn có hơn 600 đồng chí hy sinh, 1.700 đồng chí bị thương…”.

Trong khúc tráng ca Quảng Trị được viết bằng rất nhiều máu của cả một thế hệ đã cống hiến tuổi thanh xuân - lứa tuổi đẹp nhất đời người - cho Tổ quốc, có cả những cống hiến, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B (bây giờ là Sư đoàn 390).

Các anh đã ngã xuống cho sự sống hồi sinh trên đất Quảng Trị, cỏ non lại lên xanh dưới chân Thành Cổ, cho hồ tiêu, cao su mọc ngút ngàn nơi Cồn Tiên, Dốc Miếu…, cho những bãi cát trắng Hải Lăng, Triệu Phong sạch dấu vết quân thù. Với những cống hiến, hy sinh đó, các anh - những người đã khuất và cả những người còn sống – đều xứng đáng là những người anh hùng của một Trung đoàn anh hùng!

Duy Mười - Đức Hải