Do quy hoạch chắp vá
Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 30/08/2010
Hệ lụy từ quy hoạch chắp vá
Chủ tịch UBND xã Thạch Thán Bùi Tả Ngạn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 1.000 hộ chăn nuôi, trong đó có 30 hộ chăn nuôi tập trung theo quy mô lớn. Theo quy hoạch ban đầu, khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư 700m, nhưng do áp lực gia tăng dân số, khu dân cư mở rộng, tiến gần về phía khu chăn nuôi nên không tránh khỏi ảnh hưởng. Hầu như tất cả chất thải, phân, thức ăn dư thừa đều đổ vào kênh mương ở khu vực xung quanh xã. Một số hộ dân đã xây dựng hầm biogas, nhưng hầm nhỏ, không chứa hết lượng chất thải quá lớn từ chăn nuôi. Hiện tại, toàn xã nuôi từ 7.000-8.000 con lợn, trung bình lượng chất thải ra ngoài môi trường khoảng 10 tấn/ngày. Do nhận thức còn hạn chế, người dân thường thải phân gia súc chưa qua xử lý ra môi trường, trực tiếp ra ao hồ, rãnh thoát nước xung quanh khu vực dân cư, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí; tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh tật, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.
Trước tình trạng trên, nhằm giảm ô nhiễm môi trường do chăn nuôi quá lớn, năm 2005 Đảng ủy, HĐND và HTX nông nghiệp Thạch Thán họp bàn với dân, đề nghị huyện lựa chọn khu đất rộng 35ha ở khu vực Đồng Sen xa khu dân cư để chuyển đổi các hộ chăn nuôi nằm trong khu dân cư ra ngoài cho 12 hộ đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, ao cá. Ở đây hộ nuôi ít cũng từ 100 đến 300 con lợn, hộ nuôi nhiều 2.000-3.000 con. Tuy nhiên, ngay từ khi xây dựng chuồng trại, các hộ đều không bố trí vị trí cũng như làm hệ thống xử lý chất thải, hầm biogas. Toàn bộ lượng phân tươi của chục nghìn con lợn xả trực tiếp xuống mương Đồng Sen, rồi tràn xuống mương Đồng Chằm trên, Đồng Chằm dưới, khiến cho nước mương ô nhiễm đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc làm cho một phần diện tích lúa của HTX nông nghiệp thôn Dương Cốc xã Đồng Quang gần khu chăn nuôi của xã Thạch Thán bị ảnh hưởng nặng nề. Cây lúa bị lốp, mắc bệnh bạc lá và không chắc hạt, năng suất giảm 50-60%.
Khắc phục cách nào?
Một trong những nguyên nhân khiến các hộ chăn nuôi ở đây chưa xây hầm biogas, xử lý chất thải là do thiếu vốn trong sản xuất và đầu tư. Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ trang trại chăn nuôi lợn cho biết, các hộ rất khó khăn về vốn, các ngân hàng cũng tạo điều kiện cho vay với lãi suất ưu đãi nhưng chỉ cho vay trong thời gian rất ngắn. Trong khi đó, trang trại với 50 lợn nái, 600 lợn bột một ngày tốn 2-3 triệu đồng tiền cám, chưa kể đến nhu cầu vốn mở rộng quy mô trang trại do số lượng lợn nuôi quá lớn so với ban đầu. Theo tính toán, mỗi hộ gia đình phải đầu tư 150-200 triệu đồng để xây hầm biogas theo đúng tiêu chuẩn nhưng không biết vay ở đâu. Ngoài ra, hiện nay tình hình dịch bệnh đang gia tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, nên chăn nuôi lợn hầu như không có lãi, các hộ nuôi lợn càng khó khăn.
Ông Dương Tôn Kiên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: Để giải quyết ô nhiễm môi trường ở Thạch Thán nói riêng và toàn huyện nói chung cần một giải pháp đồng bộ, có sự hợp tác giữa người dân và các cơ quan chức năng. Đối với các cơ quan chức năng cần áp dụng chế độ xử phạt nghiêm khắc những gia đình, những cơ sở gây ô nhiễm môi trường và buộc họ phải áp dụng các công nghệ xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường hoặc phải xây hầm biogas.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT): Việc xây dựng khu chăn nuôi tập trung ở Thạch Thán gây ô nhiễm môi trường là do quy hoạch chưa hợp lý, khi xây dựng các hộ không thiết kế hệ thống xử lý chất thải. Để khắc phục những tồn tại trong xây dựng khu chăn nuôi tập trung cho các huyện ngoại thành Hà Nội cách làm tốt nhất là phải quy hoạch đất đai ở từng vùng hợp lý. Cần có giải pháp xử lý môi trường riêng, cụ thể cho từng loại vật nuôi, khi nuôi lợn phải có hầm biogas để chứa chất thải và xử lý hợp vệ sinh. Ngoài ra, các phòng, ban chuyên môn của huyện cần giúp người chăn nuôi lập dự án, tính toán chi tiết dự toán đầu tư, bố trí khu nuôi, khu xử lý chất thải... hợp lý, để tránh tình trạng quy hoạch chắp vá như hiện nay ở một số trang trại chăn nuôi ngoại thành. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người chăn nuôi đối với cộng đồng, góp phần từng bước đưa ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững.