Dấu ấn Quỳnh Đôi
Xã hội - Ngày đăng : 07:39, 29/08/2010
Quỳnh Đôi là xã có hương ước sớm và hương ước đó quy định cho Quỳnh Đôi xưa một nếp sống văn hóa được gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay. Cho nên Quỳnh Đôi được Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An chứng nhận là "Làng văn hóa'', một trong những làng đầu tiên ở tỉnh Nghệ An. Năm 1996 Quỳnh Đôi còn được Nhà nước phong tặng là xã "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân''.
Tượng vua Quang Trung ở Đống Đa.
Năm thứ II Xương Phù (1378) tổ ba họ Hồ, Nguyễn, Hoàng đến khai phá lập ra trang Thổ Đôi xã Hoàn Hậu. Theo phong thủy Quỳnh Đôi được đất ''địa linh nhân kiệt". Làng có một ngôi đình lớn trông về hướng Nam, trước mặt là lèn Mục tức lèn Yên Ngựa (Mã Yên Sơn), sau lưng là lèn Tàn (Trụ Hải) trông như cái tàn che cho đình. Hai phía đông, tây là hai hòn lèn hình cái bảng chầu về ở hai xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Bảng. Xế đông nam là hai cột đá nhô lên như hai quản bút và một vũng đá giống cái nghiên mực gọi là Hòn Bút, Hòn Nghiên (làng Bút Luyện). Có lẽ thế mà đây có truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ cao, làm quan.
Tính từ khi bỏ thi chữ Nho (1918) trở về trước, Quỳnh Đôi có 707 người đỗ từ đầu xứ đến tam giáp, nhị giáp. Trong đó có đến 13 giải nguyên như Dương Cát Phủ, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Dương Dực, Phan Đình Phát... 4 phó bảng là Hồ Bá Ôn, Phan Duy Phổ, Hoàng Mậu, Lê Xuân Mai. 6 tiến sĩ: Hồ Sĩ Tân, Phan Hữu Tính, Hồ Sĩ Tuần, Văn Đức Giai, Nguyễn Sĩ Phẩm, Dương Thúc Hạp; 2 hoàng giáp: Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống; 1 Thám hoa: Dương Cát Phủ; 1 Bảng nhãn: Hồ Sĩ Dương; tài liệu trong Long Cương Thư viện của thượng thư Cao Xuân Dục cho biết cụ còn là "Lưỡng quốc Đông Các".
Tính từ năm 1945 đến nay, Quỳnh Đôi có gần 100 tiến sĩ và thạc sĩ, hàng chục GS, PGS, viện sĩ, tỷ như các vị Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Phan Cự Tiến, Nguyễn Xuân Dũng…
Ở xứ Nghệ, Quỳnh Đôi là mảnh đất cách mạng với các nhân vật nổi tiếng qua các thời kỳ, như các cụ Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chấn… các ông Hồ Mỹ Xuyên, Hồ Viết Thắng, Hồ Trọng Triêm, Nguyễn Như Huân, Dương Ngọc Võ, Dương Văn Lan... Làng đã có 5 UVTƯ, trong đó có 2 UVBCT, ngay từ Đại hội Đảng II 1952, trong 29 UVTƯ thì làng có 3. Hiện nay, trước ngôi nhà ông Hồ Viết Thắng ở đây đặt tấm bia đá: "Đây là nhà Cụ Cử nhân Hồ Sĩ Tư (1860-1935). Năm 1903, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã tới đây cùng các sĩ phu về đây bàn vận nước. Hai con là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) cùng đi theo cha và đã lưu lại đây". Chuyện gặp Hồ Chủ tịch ở Hà Nội năm 1955 và bức ảnh: Bác Hồ ngồi giữa, hai đầu là hai cụ người làng Quỳnh Đôi).
*
Với những nét tinh túy trên, vùng quê này đã chắt lọc, cống hiến những con người ưu tú cho Thăng Long - Hà Nội, góp phần tạo dựng bản sắc kinh thành. Xin điểm qua:
Hồ Sỹ Đống, làm Giám sát kỳ thi Hội ở Thăng Long năm 1781.
Hoàng đế Hồ Quý Ly (1336-1421), trước khi thành lập nhà Hồ và dời đô vào Thanh Hóa, đã làm quan ròng rã gần 30 năm dưới 5 đời vua Trần tại đất Thăng Long.
Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, lập ra Cổ Nguyệt Đường ở phường Khán Xuân.
Hoàng đế Quang Trung vốn có gốc rễ từ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Cụ nội là Hồ Phi Long lấy vợ họ Đinh, sinh Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn về ấp Tây Sơn lấy bà Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc, do đó lấy họ của vợ đặt cho con là Nguyễn Phi Phúc. Cụ Phúc sinh con, trong đó có ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ sinh năm 1753, khi lên ngôi đặt là Quang Trung nhưng không quên nguồn gốc của mình là Hồ Thơm. Ông chỉ ra Thăng Long dẹp giặc, nhưng đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử kinh thành. Nguyễn Huệ kết duyên cùng công chúa Ngọc Hân, một mỹ nữ đất Thăng Long. Có thể nói câu thơ của Ngọc Hân tặng Quang Trung đã nói thay lòng người Thăng Long với vị vua tài ba này:
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết
bao công trình
Khi dân làng Văn Chương (Hà Nội) xin dựng lại bia tiến sĩ ở Văn Miếu, Quang Trung đã phê vào đơn:
Nay mai dựng lại nước nhà,
Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian.
Theo Đào Khê dã sử, có câu chuyện rất thú vị. Quang Trung diệt xong quân xâm lược Mãn Thanh, thống nhất đất nước, lưu lại một thời gian ở Thăng Long. Một hôm nhà vua ngự chơi thuyền hồ Tây, quần thần theo hầu có họ Đỗ là tiến sĩ cũ của thời nhà Lê, ý chừng muốn lấy lòng, quỳ tâu xin cho đổi tên hồ. Quang Trung lấy làm lạ hỏi: "Tên của hồ từ xưa sao lại phải đổi?". Viên ấy bẽn lẽn thưa: "Tâu, thần thấy tên hồ trùng với tên của Quý Hương (làng quê của nhà vua, có ý tránh tên hồ với hai chữ "Tây Sơn"). Vua cả cười: "Nhà ngươi lại muốn trẫm làm một việc vô tình với dân Bắc Hà sao? Tây hồ là cảnh đẹp của Thăng Long, người Thăng Long từ xưa đã yêu quý Tây hồ, lưu luyến Tây hồ, lẽ nào ngày nay chỉ vì trẫm mà đổi tên gọi được? Vả chăng trẫm từ Tây Sơn xa xôi ra đây, ngày nay lại được đến Tây hồ xinh đẹp này, mượn Tây hồ làm nơi gặp gỡ đàm đạo với các bạn Bắc Hà chẳng hay lắm ru? Khách Tây Sơn - cảnh Tây hồ cũng là duyên kỳ ngộ, cùng nhau còn nhiều gắn bó hẹn hò. Cảnh chẳng phụ người làm sao người nỡ phụ cảnh?". Nói xong cùng quần thần cười vui vẻ.
Năm 1873 Pháp đánh thành Hà Nội. Giải nguyên Tán Lý quân vụ Dương Doãn Hài - người làng Quỳnh Đôi cùng quân binh đã bố trí phục kích và diệt được tên quan hai Francis Garnier cùng nhiều lính địch tại Cầu Giấy.
Thời Pháp thuộc, đỗ thủ khoa Đại học Luật khoa đầu tiên ở Đông Dương là Nguyễn Xuân Dương (sau này là chánh nhất tòa thượng thẩm Bắc bộ rồi Chánh án Hà Nội). Người đỗ cử nhân Luật khoa cuối cùng thời đó là Phạm Đình Tân (sau này là chuyên viên cao cấp về pháp chế). Cả hai ông đều là người Quỳnh Đôi.
Văn Miếu Hà Nội có 4 người Quỳnh Đôi ghi danh trên bia tiến sĩ: Hồ Sỹ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sỹ Đống, Hồ Sỹ Tân. Về tên phố, có sáu danh nhân được đặt là Quang Trung, Hồ Xuân Hương, Phạm Đình Toái, Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan, Hồ Trọng Hiếu. Nhiều trường phổ thông mang tên Quang Trung, Nguyễn Huệ, Hồ Tùng Mậu. Còn số người giảng dạy, công tác ở các trường đại học, cao đẳng, cơ quan nghiên cứu, làm báo… thì thật khó đếm xuể. Có nghĩa là rất "phát" về đằng tri thức.
Về văn hóa, tín ngưỡng… người Quỳnh Đôi để lại không ít nét đẹp, như tượng đài Quang Trung (Hồ Thơm) cạnh gò Đống Đa, chùa Bộc (thờ tượng Quang Trung). Chùa Quán Sứ có sư cụ Hồ Thị Hạnh, mất lúc 90 tuổi. Chùa Bảo Tháp ở Tả Thanh Oai có hai vị chân tu họ Hồ "hóa Phật" là Hồ Bà Lam, Hồ Thuận Nương.
Như thế, từ xa xưa, hai vùng đất này đã có nhiều mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau, tạo nên bao điều thú vị. Ngày nay, người Quỳnh Đôi ở Hà Nội luôn yêu quý quê hương thứ hai của mình, giàu lòng cống hiến. Đó là:
Anh hùng Lao động Hồ Thị Xinh, Chủ nhiệm hợp tác xã Lao động, quận Đống Đa. Họ Phan góp một gia đình nổi tiếng, với GS.TS.NGND Phan Cự Nhân, GS.VS. NGND Phan Cự Đệ, GS.VS Phan Cự Tiến. Họ Hồ có hai anh em ruột Hồ Anh Dũng, Hồ Đức Việt, đại biểu Quốc hội cùng khóa đang công tác và lập nghiệp tại Hà Nội. GS Văn Như Cương sáng lập ra ngôi trường dân lập chất lượng cao Lương Thế Vinh, năm nào cũng có tỷ lệ đỗ đại học cao.
Văn hóa, nghệ thuật là mảng lớn có mặt người làng Quỳnh: Hoàng Trung Thông, Lam Giang, Hồ Phi Phục, Dương Quân, Sĩ Giàng, Hồ Văn Khuê (thơ), Hồ Anh Thái, Hồ Anh Tuấn (văn), Phan Cự Đệ, Hoàng Thanh Đạm (nghiên cứu), Hoàng Tuấn Nhã, Dương Viên (mỹ thuật), Hồ Thi (sân khấu)... Để lại những dấu ấn thi thư, họ đã và đang nối tiếp truyền thống sáng tạo, góp phần đưa Thủ đô lên tầm cao mới.