Danh tướng Phạm Tu

Xã hội - Ngày đăng : 18:34, 28/08/2010

(HNMO) - Sử sách đã ghi lại rằng Phạm Tu là một trong những người ghi dấu ấn đặc biệt trong công cuộc bảo vệ đất Thăng Long xưa. Những năm gần đây, vai trò của ông càng được làm rõ...

Đình Ngoại, nơi thờ danh tướng Pham Tu, tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.


Danh tướng Phạm Tu với tên gọi đầy đủ theo bản thần tích xã Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) là: “Cảm ứng cư sĩ Phạm Tu, Thụy Đô Hồ Đại vương, thượng đẳng thần”. Bản thần tích này chép rằng, chính vua Lý Nam Đế đã sai người về làng Thanh Liệt phong Phạm Tu làm “Long Biên Hầu, Thụy Đô Hồ, Bản Cảnh Thành Hoàng” và ban cho xã Thanh Liệt quê hương ông là “Thang mộc ấp” (ấp tắm gội- đất phong tặng).

Phạm Tu sinh hạ ở thôn Vực Mụ, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Vùng này có vợ chồng Phạm Triều và Lý Thị Trạch hiền lành, nhân đức. Theo truyền thuyết, thấy họ có lòng thành, một ngày kia trời cho điềm lạ. Vào một đêm xuân đầu tháng giêng năm Ất Mão (475), bà Lý nằm mộng thấy thần Tây Hồ thay trời xuống ban cho quý tử. Ngày mười tháng ba năm Bính Thìn (476), bà Lý sinh con trai. Khi ấy, hương thơm ngạt ngào tỏa đầy nhà. Ông bà đặt tên con là Phạm Tu.

Từ nhỏ, Phạm Tu đã lộ rõ vẻ phương phi, tuấn tú, chăm đọc sách, học giỏi, đàn sáo hay. Đặc biệt, ông năng luyện võ, sức khỏe hơn người. Dân trong vùng thường gọi là “Đô Tu” với tấm lòng ngưỡng mộ. Người từng vận động nhân dân thực hiện khẩu hiệu “Cửu niên tam tích” (tích cốc- ngũ cốc phòng cơ, tích y- y phục phòng hàn, tích khí- vũ khí phòng giặc) để khi có thời cơ là nổi dậy đánh giặc cứu nước.

Cuối năm Tân Dậu (542), Lý Bôn- tức Lý Bí, lãnh đạo nhân dân khởi binh chống lại quân Lương. Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí được nhân dân và hào kiệt khắp nơi nô nức ủng hộ. Lúc đó, Phạm Tu đã sang tuổi sáu mươi bảy. Người trực tiếp chiêu mộ trai tráng trong vùng, tổ chức luyện tập ngày đêm rồi tham gia quân khởi nghĩa. Ở đó, Phạm Tu cùng Tinh Thiều, Triệu Túc làm thành bộ tham mưu, giúp Lý Bí đánh đâu thắng đấy. Chính đạo quân do Lý Bí cùng Phạm Tu chỉ huy đã tiến vào đánh chiếm thành Long Biên, thủ phủ đô hộ của chính quyền nhà Lương thời đó. Thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư, rất tham lam độc ác cũng phải khiếp sợ bỏ chạy về Quảng Châu. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, nghĩa quân đã quét sạch quân đô hộ ra khỏi bờ cõi. Nhà Lương tức tối sai Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng đem quân sang đánh chiếm lại. Lý Bí cùng bộ tham mưu bàn bạc, chủ động đem quân đón đánh giặc ở đảo Hợp Phố. Quân Lương đến đó thì bị quân ta chặn đánh tiêu diệt gần hết. Sau thất bại này, Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng bị buộc phải tự tử vì thua trận.

Nhà bia ghi công lão tướng Phạm Tu.

Cùng thời gian này, vua nước Lâm Ấp ở phía Nam lợi dụng nghĩa quân của Lý Bí phải chống trả quân Lương đã huy động lính cướp phá quận Nhật Nam (vùng Quảng Bình). Trước tình hình này, lão tướng Phạm Tu hăng hái đảm nhận vào Nam diệt giặc. Năm 543, lão tướng Phạm Tu chỉ huy quân sĩ đánh tan quân Lâm Ấp ngay ở quận Cửu Đức (vùng Hà Tĩnh ngày nay). Vua Lâm Ấp phải bỏ chạy về bên kia dãy hoành sơn. Thế là Phạm Tu được Lý Bí ban tặng bốn chữ: ”Cự Bắc, Bình Nam”. Chỉ từng ấy đủ nói lên tài năng của vị tướng già này.

Dẹp xong quân Lâm Ấp, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. Ban văn do Tinh Thiều đứng đầu, ban võ do Phạm Tu đứng đầu. Với cương vị là tổng chỉ huy quân đội, Phạm Tu lo luyện tập quân sĩ, củng cố xây dựng hào lũy những nơi hiểm yếu trên đất liền, các cửa sông, cửa lạch… Cũng nhờ vậy mà khi quân Lương quay lại đánh chiếm vào năm 545, hệ thống phòng thủ các cửa sông vùng Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình đã giúp Phạm Tu cùng quân sĩ cầm cự trong 6 tháng liền. Sau đó Người mới chịu lui quân về giữ thành Long Biên – (khu vực chợ Gạo sau chợ Đồng Xuân ngày nay) để Lý Nam Đế và bộ hạ bảo tồn lực lượng, rút lui an toàn lên mạn trung du phía Bắc. Trong cuộc chiến không cân sức này, vị lão tướng đã sang tuổi 70 Phạm Tu đã anh dũng hy sinh. “Trong vòng chiến đấu xoay cuộc tang thương, đại vương phút chốc hiển linh thần hóa” ( nguyên văn trong thần phả thờ ở đình Thanh Liệt). Lúc đó là vào ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu.

Thanh Liệt xưa gọi là Quang Liệt, thế đất được coi là đất đế vương: ”Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Quang Liệt”. Năm 1690, nhà địa lý Tả Ao đã chọn thế đất đẹp để dựng ngôi đình thờ danh tướng Phạm Tu. Ngôi đình sừng sững tồn tại từ bấy đến nay cùng với 18 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến về Long Biên Hầu, Phạm Đô Hồ Đại Vương trong đó đời Nguyễn có tới 11 đạo sắc phong.

Hằng năm cứ đến ngày 20 tháng 7 âm lịch, người họ Phạm ở khắp mọi miền đều tụ lại với nhau để được nối mình với cội nguồn tổ tiên, cùng nhau ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng Phạm Tu. Năm 1998, được sự hỗ trợ của Hội Sử học Việt Nam, một hội thảo khoa học diễn ra tại Hà Nội đã suy tôn Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu là thượng thủy tổ họ Phạm Việt Nam. 10-2008, UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương đặt tên Phạm Tu cho một đường phố lớn. Tháng 2-2009, UBND thành phố đã có một dự án tôn tạo, tu bổ đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu và sẽ được chủ đầu tư bàn giao vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Âu cũng là cách ghi nhận công lao của một vị tướng Hà Nội một lòng một dạ với đất nước, với Hà Nội!

Hồng Vũ