Ngành tài chính: Huyết mạch của nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 07:27, 28/08/2010
Thông qua việc huy động và tập trung tối đa mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, ngành tài chính đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước và giữ ổn định an ninh tài chính quốc gia.
Chắt chiu nguồn vốn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng non trẻ phải đối đầu với nhiều khó khăn về tài chính. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt giải pháp tài chính đã được thực hiện thông qua việc tổ chức Tuần lễ Vàng, Quỹ Độc lập, phát hành công trái, trái phiếu... nhằm tạo thêm nguồn thu cho nhà nước thực hiện sự nghiệp chống thù trong giặc ngoài. Để bảo đảm nguồn lực phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân, giấy bạc Tài chính Việt Nam đã được phát hành vào ngày 31-11-1946.
Sẵn sàng phục vụ người dân nộp thuế trực tiếp tại KBNN Châu Đốc - An Giang. |
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, ngành tài chính đã thực hiện chính sách động viên, đóng góp tự nguyện kết hợp với khả năng và nguồn thu nhập để đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng cao phục vụ kháng chiến. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, chính sách tài chính được xác định thực hiện theo hướng "Tăng thu, giảm chi, thống nhất quản lý thu chi tài chính". Hàng loạt chính sách thuế mới đã được ban hành theo nguyên tắc công bằng, hợp lý, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh sản xuất và đóng góp cho kháng chiến.
Bước sang giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngành đã ban hành những chính sách phù hợp nhằm chắt chiu nguồn vốn ngân sách và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ. Giai đoạn cả nước xây dựng CNXH, ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh; từng bước vượt qua khó khăn trong quản lý điều hành, góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn lạm phát tăng cao.
Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chính sách tài chính đã được cải cách và hoàn thiện theo hướng phù hợp khi nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường. Ngành đã động viên hợp lý các nguồn thu vào NSNN, khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu thích ứng với cơ chế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế, hệ thống thuế công bằng, thống nhất, có cơ cấu hợp lý hơn, giảm sự phân biệt trong các thành phần kinh tế... Hệ thống thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn được hình thành, đáp ứng hiệu quả yêu cầu phát triển KT-XH. Thị trường chứng khoán hình thành và hoạt động có kết quả khả quan. Đến nay thị trường chứng khoán giá trị vốn hóa đạt 40% GDP; thị trường bảo hiểm luôn duy trì mức tăng trưởng cao, bình quân khoảng 17%/năm. Các loại dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán phát triển mạnh.
Công tác quản lý dự trữ quốc gia, quản lý điều hành giá được đổi mới, vừa góp phần kiềm chế lạm phát, vừa thích ứng dần với cơ chế quản lý dự trữ quốc gia, quản lý giá theo cơ chế thị trường. Ngành nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân, đồng thời minh bạch và công khai hóa các quy trình, thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực cấp phát ngân sách, thuế, hải quan...
Tiềm lực tài chính Nhà nước ngày càng được củng cố và lớn mạnh, bảo đảm nhiệm vụ phát triển KT-XH và an ninh quốc phòng của đất nước. Trong nhiều năm qua, tổng thu ngân sách hằng năm đều vượt so với kế hoạch và năm sau cao hơn năm trước; quy mô thu NSNN năm 2010 tăng gấp 5,6 lần so với năm 2000. Cơ cấu thu được cải thiện, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ hơn 54,6% năm 2000 lên gần 64% năm 2010.
Nhờ tăng thu, NSNN có thêm nguồn để tăng chi cho nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng và chi cho an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Dự phòng, dự trữ nhà nước năm 2010 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2000, phục vụ có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. An ninh tài chính được giữ vững với mức bội chi trong phạm vi kiểm soát; dư nợ chính phủ ở ngưỡng an toàn, góp phần ổn định cân đối vĩ mô nền kinh tế... Ngành đã chủ động hội nhập về tài chính, tham gia tích cực, có hiệu quả trong các quan hệ tài chính song phương, đa phương, chủ động thực hiện xử lý nợ thành công, tạo được lòng tin với cộng đồng quốc tế.
Những năm gần đây, để đối phó với tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến kinh tế trong nước, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp như miễn, giảm, giãn thuế; bảo lãnh tín dụng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tăng bội chi ngân sách, tăng phát hành trái phiếu chính phủ và ứng vốn NSNN để tăng nguồn cho các chương trình dự án; tăng chi bảo đảm an sinh xã hội… Những nỗ lực này góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có tăng trưởng dương.
Trong giai đoạn 2010-2015, ngành tài chính đặt mục tiêu huy động hiệu quả mọi nguồn lực tài chính phục vụ cho yêu cầu phát triển KT-XH; nỗ lực xây dựng chính sách theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Ngành phấn đấu giữ vững vai trò huyết mạch của nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, góp phần hoàn thành các mục tiêu KT-XH quan trọng được Đảng, Nhà nước giao phó.