Người thắp sáng di sản Thăng Long

Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 28/08/2010

(HNM) - GS sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam. GS đã góp nhiều tâm sức để những di sản của đất Kinh kỳ như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành tài sản văn hóa chung của nhân loại. Ông là một trong 10 công dân Thủ đô ưu tú được thành phố vinh danh.

GS Phan Huy Lê sinh ngày 23-2-1934 tại xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - vùng quê văn hiến; trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. 5 ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, ông có mặt ở Hà Nội, vào thẳng năm thứ 2 Ban Sử địa, ĐH Sư phạm Hà Nội (chuyển từ Trường Dự bị ĐH Thanh Hóa). Từ đó, Hà Nội gắn bó với ông như máu thịt. Đất Kẻ Chợ - Kinh kỳ với bề dày lịch sử - văn hóa nhiều tầng lớp đã hấp dẫn, cuốn hút ông mạnh mẽ. Ông tâm sự: "Là một công dân, tôi có trách nhiệm phải hiểu thấu đáo về Thủ đô của đất nước mình. Bên cạnh đó, bản thân hấp lực của những di sản quý giá, lớn lao đã thôi thúc tôi khám phá không ngừng nghỉ".

Tháng 12-2002, di tích Hoàng thành Thăng Long (HTTL) bắt đầu phát lộ ở 18 Hoàng Diệu. Với trách nhiệm của một nhà khoa học, sử học, bằng sự lao động hết mình, nghiêm cẩn, ông đã khẳng định tầm quan trọng lớn lao của di sản này. Ông nhớ lại: "Buổi sơ khai ấy vô cùng khó khăn. Có người phủ định, cho rằng đó chỉ là đống gạch vụn, nhiều người biết là có giá trị, nhưng giá trị như thế nào thì không ai rõ". Nghiên cứu sâu, ông khẳng định di tích 18 Hoàng Diệu nằm ở tâm thành cổ. Từ những tài liệu chân xác, thuyết phục của ông, Chính phủ đã quyết định giao cho Bộ VH-TT đánh giá, đề xuất phương án bảo tồn. GS Phan Huy Lê được mời làm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Bộ VH-TT và Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Bên cạnh những cuộc khảo sát, nghiên cứu, với cường độ cao, hàng chục cuộc hội thảo cấp quốc gia, quốc tế được liên tục tổ chức. Cuối cùng, cả Bộ VH-TT và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đi đến kết luận: Giá trị lịch sử - văn hóa của HTTL là vô cùng to lớn. Đây chính là động lực quyết định việc lập hồ sơ công nhận HTTL là di tích đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới nghiên cứu - vận động để di sản được đăng ký hồ sơ di sản văn hóa thế giới. Từ năm 2006 đến 2008, GS Phan Huy Lê cùng tập thể các nhà khoa học, quản lý tập trung xây dựng hồ sơ. Ngày 30-9-2008, hồ sơ được hoàn thành đúng thời hạn. Và chính ông và cộng sự đã thành công trong việc thuyết phục các chuyên gia UNESCO, để rồi tháng 8-2010, HTTL đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới - tài sản chung của nhân loại.

GS Phan Huy Lê còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, danh nhân Hà Nội, góp phần thúc đẩy các giải pháp bảo tồn di sản văn hóa, khảo cổ học Thủ đô. Ông cũng góp phần quan trọng để Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, xây dựng hồ sơ "Lễ hội Phù Đổng"… Tên tuổi và sự nghiệp của GS Phan Huy Lê luôn gắn chặt với nền sử học Việt Nam. Phát hiện và giám định sử liệu được ông đặc biệt chú ý, bởi đó là nguyên tắc sống còn của khoa học lịch sử. Từ những nghiên cứu ban đầu về kinh tế - xã hội, ông mở rộng sang nghiên cứu lịch sử chống ngoại xâm, văn hóa - truyền thống, tổng kết lịch sử đất nước... Đến nay, ông đã công bố hơn 60 cuốn sách, hơn 400 công trình nghiên cứu có giá trị quốc gia và quốc tế dưới dạng luận văn, giáo trình, báo cáo khoa học... Trong đó có hơn 50 công trình về Hà Nội, 17 công trình về HTTL…

Là người thầy lớn, với đam mê, nhiệt huyết, tầm tri thức sâu rộng, GS Phan Huy Lê đã đào tạo nhiều thế hệ học trò trở thành những cán bộ trụ cột ở các trường ĐH, viện nghiên cứu. Được phong hàm giáo sư đợt đầu tiên, được tặng giải thưởng Nhà nước, ông còn là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế Văn hóa châu Á Fukuoka và được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm. Ông yêu Hà Nội theo cách riêng của mình. Là một công dân, lại là thành viên Ủy ban quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, GS Phan Huy Lê mong muốn, người Hà Nội phải bằng trí tuệ, chuyên môn để đóng góp cho Thủ đô xứng với tầm văn hiến ngàn năm tuổi. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp để người Thủ đô phát huy giá trị lịch sử của ông cha để lại, nâng cao tầm trí tuệ, huy động trí thức cả nước, tạo ra nhận thức mới về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội Thủ đô và cả nước. Với tình yêu, tâm huyết với Thăng Long - Hà Nội, ông xứng đáng được vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú".

Nguyễn Linh