Tính toán phương án tối ưu để cứu từng dự án đóng tàu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 28/08/2010
Theo báo cáo từ các đơn vị thành viên Vinashin này, tình trạng chung là do khó khăn về vốn, vướng mắc tài chính nên hầu hết các dự án đóng tàu, xây dựng nhà máy đều đang chậm tiến độ hoặc bị "treo" dù đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ. Từ ngày 1-7 đến 25-8, các đơn vị thuộc Vinashin đang tiếp tục triển khai đóng 110 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 1,47 tỷ USD. Hiện các đơn vị mới bàn giao được 2 tàu, tiến hành đàm phán với các chủ tàu khác xử lý về thời gian giao tàu, thời hạn bảo lãnh hoàn trả… Trong tháng 7 và tháng 8, một số hợp đồng đóng tàu cũng đã bị hủy. Các đơn vị cũng đang làm việc với ngân hàng và các tổ chức tín dụng về việc cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian trả nợ và khoanh nợ, đồng thời thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu lại tổ chức, sản xuất, kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Một số công ty đánh giá, triển vọng hoàn thành kế hoạch sản xuất và doanh thu được giao năm nay sẽ khó đạt, dù công việc và hợp đồng còn nhiều.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Yêu cầu số một hiện nay là phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, ổn định tư tưởng người lao động. Trong đó, vấn đề chú ý đầu tiên là cố gắng tiếp tục triển khai, hoàn thành các dự án, các hợp đồng đã cam kết. Khó khăn còn nhiều, tuy nhiên, sẽ không xử lý tháo gỡ theo kiểu tổng hợp, "đóng cả gói" mà sẽ phải rà soát, lên phương án tối ưu, chi tiết về vốn, về cơ chế đối với từng dự án, từng hợp đồng. Phương hướng này sẽ giúp các DN có thể tập trung nguồn lực để giải phóng sớm các hợp đồng khả thi nhất, giảm nợ và tạo lực mới để "gỡ" các hợp đồng, dự án tiếp theo. Đồng thời, cũng có được cơ sở để mạnh dạn và kịp thời xử lý những hợp đồng, dự án phải hủy hoặc bị trả lại.
Các đơn vị đóng tàu phải có cam kết tiến độ chi tiết tới từng hạng mục, hợp đồng khi nhận được hỗ trợ cũng như các cam kết về nghĩa vụ tài chính cụ thể đối với các tổ chức tín dụng để được tháo gỡ khó khăn về tài chính.