Giản dị nhưng là chân lý
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 28/08/2010
Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế (trụ vững ngay cả trong hoàn cảnh khủng hoảng tài chính thế giới tác động mạnh), đời sống người dân cũng liên tục được cải thiện. Thành quả đó có được là nhờ tác động tích cực từ các phong trào thi đua đa dạng, phong phú diễn ra ở tất cả các lĩnh vực và trải rộng trên khắp thành phố. Từ "nâng cao chất lượng phục vụ" trong ngành vận tải, "Đàn bò vì người nghèo" ở Ba Vì, "Bà mẹ giỏi, gia đình tốt" trong ngành lao động - thương binh - xã hội, "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" trong ngành giáo dục, "Cầu thang văn hóa" ở Cầu Giấy, đến "Vận động nhân dân hiến đất làm đường, mở rộng ngõ phố" ở Từ Liêm, Thanh Oai… Tất cả những phong trào thi đua như thế đã góp phần tạo ra khí thế thi đua mới rộng khắp trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, hàng trăm tấm gương sáng, những điển hình tiên tiến, nhân tố mới đã hình thành, những cá nhân, tập thể tiêu biểu nhất sẽ được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương "Người tốt, việc tốt" của Thủ đô Hà Nội. Đây sẽ là điều minh chứng và tiền đề để tin tưởng rằng, 5 năm tới các phong trào thi đua sẽ còn tiếp tục "đơm hoa kết trái" nhiều hơn nữa.
Giữa nhiều thành quả mà các phong trào thi đua yêu nước mang lại cho thành phố trong 5 năm qua, sẽ là phiến diện nếu không nhận thấy rằng, vẫn còn đó không ít vấn đề cấp bách của Thủ đô mà các phong trào thi đua vẫn chưa thực sự góp phần làm cho tốt đẹp hơn, như về vệ sinh môi trường, văn hóa giao thông hay văn hóa người Hà Nội… Đây có lẽ là điều khiến những người yêu quý Thủ đô còn day dứt.
Từ năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Lời kêu gọi phát động thi đua yêu nước" đã chỉ ra rằng: Còn nhiều nơi, nhân dân, trước hết là cán bộ, tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc hằng ngày. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Người nêu rõ: "Thật ra công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua". Từ luận điểm của Người cho thấy, phong trào thi đua phải gần gũi và thường xuyên, gắn bó với mỗi người từng giờ, từng phút, thể hiện ở ngay nết ăn, nết ở. Nếu ai cũng thấu hiểu điều tưởng chừng đơn giản ấy và làm theo thì những vấn đề khiến chúng ta day dứt về Hà Nội như vệ sinh môi trường, văn hóa giao thông hay văn hóa người Hà Nội sẽ sớm được giải quyết. Có thể nói, làm cho đông đảo người dân thấu hiểu và làm theo lý lẽ giản dị nhưng là chân lý ấy chính là vấn đề cốt lõi của phong trào thi đua hiện nay.
Hà Nội đang chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ thứ hai của lịch sử Thủ đô, nên cần lắm những phong trào thi đua đổi mới bắt đầu từ tư duy như thế.