Phát hiện lò nướng bánh cổ ở hoang mạc Ai Cập
Công nghệ - Ngày đăng : 15:40, 26/08/2010
Trong suốt quá trình khai quật Con đường hoang mạc Theban, một dự án để lập bản đồ các cung đường hoang mạc cổ ở vùng hoang mạc phía tây, một nhóm các nhà khảo cổ học Ai Cập và Mỹ đến từ ĐH Yale đã phát hiện ra những phần còn sót lại của một nơi đã từng là thị trấn bánh mì.
Dài khoảng 1km từ bắc tới nam và rộng 250m từ đông tới tây, khu định cư này có niên đại vào khoảng năm 1650-1550 trước Công nguyên.
Theo ông John Coleman Darnell, người đứng đầu dự án nghiên cứu của Yale, những bằng chứng khảo cổ học đã chỉ ra rằng, khu vực này là một trung tâm hành chính dọc theo các cung đường buôn bán sầm uất kết nối Thung lũng Nile và các ốc đảo phía tây với những vùng rất xa như là Darfur ở miền tây Sudan.
Quả thực, các nhà khảo cổ học đã khai quật được những công trình gạch bùn lớn tương tự như các tòa nhà hành chính đã từng được phát hiện trước đó tại một số khu vực ở Thung lũng Nile.
Nhưng những đặc điểm thú vị nhất là những phần còn sót lại của một lò bánh mì. Việc sản xuất bánh mì ở quy mô lớn là nghề nghiệp chính của phần lớn những người dân định cư tại đây, ông Zahi Hawass, người đứng đầu Hội đồng tối cao về cổ vật Ai Cập cho biết.
Các nhà khảo cổ học đã khai quật được 2 lò và 1 bánh xe bằng gốm. Những vật này được dùng để tạo ra các khuôn bánh mì bằng gốm dùng để nướng bánh mì trong đó.
Những mảnh vỡ lớn bên ngoài lò bánh gợi mở rằng người dân định cư đã sản xuất bánh mì với khối lượng lớn đến nối nó có thể đủ dùng để nuôi cả một đội quân, ông Zahi Hawass cho biết.
Những nghiên cứu trước đó ở khu vực này đã hé lộ rằng, những người định cư đã sống lâu dài tại đây. Nó có thể bắt đầu từ thời Vương quốc trung cổ (khoảng từ năm 2134-1569 trước Công nguyên) và kéo dài cho tới tận khi thời kỳ Vương quốc mới (1569-1665 trước Công nguyên) bắt đầu.
Tuy nhiên, khu vực này phát triển đến đỉnh cao từ cuối thời kỳ Vương quốc trung cổ (1786-1665 trước Công nguyên) tới giai đoạn Trung cổ thứ hai (1600-1569 trước Công nguyên).