Giẫm, đạp và... treo cổ bệnh nhân

Xã hội - Ngày đăng : 07:13, 26/08/2010

(HNM) -Một thầy lang không bằng cấp, không chứng chỉ, không giấy phép hành nghề nhưng suốt mười năm qua vẫn vô tư bắt bệnh, chẩn trị cho thiên hạ. Để chữa căn bệnh thoát vị đĩa đệm và thoái hóa đốt sống cổ, bài thuốc duy nhất thầy lang dùng là cơm nóng trộn với lá cúc tần.


Sau khi phủ loại thuốc "đặc trị" này lên phần xương bị tổn thương, thầy lang sẽ "kéo đầu", "rút cổ", giẫm, đạp lên lưng bệnh nhân... Trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, huyện sẽ xử lý vụ việc này nghiêm khắc, đúng pháp luật.

Cơm nóng trộn lá cúc tần và… giẫm, bẻ, đạp, treo cổ...

Theo phản ánh của bạn đọc, sáng 24-8 chúng tôi về đội 9, thôn Hạ, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức tìm gặp ông thầy lang có biệt danh "Thọ đại tá". Thầy Thọ tên thật là Nguyễn Văn Thọ, nguyên là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Phù Lưu Tế. Mười năm nay, ông được người dân biết đến như một "thần y" có khả năng chữa bệnh thoát vị đĩa đệm và thoái hóa đốt sống - căn bệnh nan y mà y học hiện đại phải dùng ngoại khoa để can thiệp. Không quá khó để chúng tôi tìm gặp vị "thần y" này vì thầy Thọ có đến hai nhà xây kiên cố khá đẹp giữa vùng đất chiêm trũng vốn nghèo khó của huyện Mỹ Đức. Giữa cơn mưa chiều tầm tã, ông Thọ mở cửa đón chúng tôi. Chưa hỏi, ông Thọ đã xưng ngay: "Tôi xây hai cái nhà này năm 2005, mỗi cái mất hơn tỷ. Số tiền này là do bán đất mà có chứ đâu phải giàu vì chữa bệnh cứu người".

Dù ông Thọ vừa trải qua một cơn bạo bệnh do tai biến mạch máu não, nhưng chúng tôi chưa vội hỏi thì ông đã thao thao: "Tôi đã chữa khỏi bệnh cho cả nghìn người rồi ấy chứ, trong Nam có, ngoài Bắc có, thậm chí ở nước ngoài người ta cũng tìm về".

Mặc ông Thọ say sưa kể, tôi cắt ngang: "Mười năm khám chữa bệnh, ông có bằng cấp hay chứng chỉ hành nghề không?". Ông Thọ xuống giọng: "Ai dại gì bịp bợm. Đúng là không có bằng cấp, chứng chỉ cũng như giấy phép hành nghề nhưng tôi vẫn chữa bệnh cứu người. Bệnh nhân của tôi toàn những người nghèo, lúc đến bị liệt, lúc về thẳng lưng, thế mà khối người khỏi bệnh có chịu trả tiền đâu". Tạm gác chuyện "cơm áo gạo tiền", chúng tôi hỏi "thần y" về bài thuốc và phương pháp chữa bệnh, tuyệt nhiên ông Thọ không hé nửa lời. Có lẽ, ông Thọ đã chuẩn bị đề phòng khi tiếp xúc với cơ quan chức năng.

Theo điều tra của phóng viên, ông Thọ hành nghề này được trên dưới 10 năm. Vị "thần y" giữ vai trò "bắt bệnh" còn có hai phụ tá khác chính là con trai ông. Hai người này được công nhận y sĩ nhưng chưa đủ điều kiện để cấp chứng chỉ và giấy phép hành nghề. Tuy không quảng cáo, không treo biển nhưng có thời điểm gia đình ông Thọ nhận chữa trị cho cả trăm người. Hầu hết bệnh nhân từ nơi xa đến, phải lưu trú tại chính nhà vị "thần y" với mức thu khoảng 200 nghìn đồng/ngày/người. Nguyên tắc, phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh của “thầy” Thọ cũng đặc biệt khác người. Không cần trực tiếp thăm khám, chỉ cần một tấm phim chụp X-quang, "thầy" có thể phán đủ mọi thứ mà bệnh nhân nào cũng trong tình trạng "phải chữa nhanh không có... liệt!". Người có bệnh "vái tứ phương". Nghe "thầy" phán lại càng hoảng hốt. Có bao tiền, họ dốc ra bằng sạch những mong "thần y" có phép màu chữa cho khỏi bệnh mà không phải dùng đến dao kéo.

Ông Hà Quang Mạnh, bác sỹ chuyên khoa Đông y, Chủ tịch Hội Đông y huyện Mỹ Đức cho biết: Việc lựa chọn bệnh nhân của ông Thọ khá "bài bản". Ông không bao giờ điều trị cho người trên 50 tuổi, đơn giản vì những người này không thể chịu được phương pháp chữa bệnh theo kiểu "kéo cổ", "bẻ đầu", hoặc nhảy lên lưng bệnh nhân giẫm đạp huỳnh huỵch. Ông Hà Quang Mạnh nhận xét, cách chữa bệnh của ông Thọ hoang tưởng, không có cơ sở khoa học, bởi làm gì có chuyện cơm nóng trộn lá cúc tần có thể làm mềm xương, làm mòn gai xương cột sống. Sở dĩ một số bệnh nhân tin và đồn thổi về vị "thần y" này vì sau khi đấm bóp, có thể cơ và xương đỡ đau mỏi hơn đôi chút nhưng chỉ là nhất thời. Ở cái huyện Mỹ Đức này, chả thấy ai đến chữa trị nhà ông lang Thọ cả.

Phải xử lý nghiêm

"Tiền mất tật mang" nhiều bệnh nhân của ông Thọ đã mạnh dạn làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Chị Đinh Thị Thu Liên, trú tại ngõ 206, phố Trương Định (Hà Nội) bức xúc: Tôi mắc bệnh thoát vị đĩa đệm nhiều năm, nghe lời giới thiệu, đã lặn lội hơn dăm chục cây số tìm đến nhà thầy Thọ. Xem qua phim X-quang của tôi, thầy Thọ phán xanh rờn: "Chữa ngay kẻo liệt, sau 25 ngày điều trị sẽ khỏi, đặt cọc 8 triệu đồng". Rút cuộc, sau những lần điều trị tưởng chừng "chết đi sống lại" vì bị giẫm đạp, bẻ cổ, bệnh của chị không suy chuyển. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy chị Liên vẫn bị thoái hóa và lồi đĩa đệm giữa C5-C6 thể trung tâm.

Để tìm câu trả lời vì sao hơn 10 năm qua, cơ sở chữa bệnh của ông lang Thọ không có chứng chỉ, không có giấy phép hành nghề vẫn ngang nhiên hoạt động gây bức xúc dư luận, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Mỹ Đức. Ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng Y tế huyện giãi bày: Đã 4 lần chúng tôi lập biên bản, yêu cầu đình chỉ việc khám chữa bệnh của vị "thần y" này nhưng ông Thọ không chấp hành, thậm chí có lúc ông ta còn gây cản trở, xúc phạm thanh tra y tế. Ngày 3-6-2009, UBND huyện Mỹ Đức có Quyết định 1261/QĐ-UBND đình chỉ khám chữa bệnh của cơ sở này nhưng ông Thọ vẫn lén lút hoạt động. Qua kiểm tra, các phương tiện mà ông Thọ sử dụng để chữa bệnh đều là thô sơ, tự chế như: máy kéo cổ, máy kéo cột sống không đúng quy định của Bộ Y tế. Sử dụng phương tiện này có thể gây giãn dây chằng, tổn thương tủy sống, có thể dẫn đến người bệnh bị tử vong.

Ông Nguyễn Sỹ Bình, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Tế thanh minh: Biết ông Thọ hành nghề chui nhưng thẩm quyền cấp xã khó xử lý. Bệnh nhân đến đây đều thỏa thuận tự nguyện với thầy lang. Nhà ông Thọ lại không quảng cáo, không treo biển, thành thử xã không có căn cứ để xử lý. Sau khi có chỉ đạo từ huyện Mỹ Đức, UBND xã Phù Lưu Tế đã giao nhiệm vụ cho lực lượng công an thường xuyên kiểm tra, giám sát, yêu cầu ông Thọ đình chỉ hoàn toàn việc chữa bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân vẫn tìm đến, chúng tôi phải giải thích để họ hiểu. Khoảng một hai tuần nay, ông Thọ đã chấp hành quyết định đình chỉ và không còn bệnh nhân nào.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức tỏ ý kiên quyết: Ông Thọ nguyên là sỹ quan quân đội, là đảng viên, từng giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công xã Phù Lưu Tế nhưng không vì thế mà chúng tôi nể nang, né tránh. Ông Thọ là công dân, mở cơ sở khám chữa bệnh phải có chứng chỉ và giấy phép hành nghề. UBND huyện đã quán triệt tới các phòng, ban chức năng, yêu cầu giám sát chặt chẽ việc đình chỉ khám chữa bệnh của gia đình ông Thọ. Nội nhật trong nay mai, UBND huyện Mỹ Đức sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở khám chữa bệnh trái phép của gia đình ông Thọ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mức phạt được áp dụng lần này đối với ông Thọ là 4 triệu đồng. Nếu ông Thọ không chấp hành, UBND huyện Mỹ Đức sẽ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả khởi tố hình sự nếu việc chữa bệnh của ông Thọ gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân.

Nhóm PV Phóng sự điều tra