Những tổn thất không thể đong đếm
Thế giới - Ngày đăng : 07:13, 26/08/2010
Cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm (SWAT) Philippines trong vụ giải cứu con tin ngày 23-8. Ảnh: AP |
Vấn đề không dừng lại ở cái giá đẫm máu cho những sai lầm trong xử lý mà qua đó còn cho thấy một lỗ hổng lớn - nói cách khác là quá yếu kém - về an ninh tại Philippines và đặc biệt là ngay tại thủ đô Manila. Đó là tình huống bắt cóc một lượng du khách lớn trên xe buýt, nơi công cộng cùng các giả định đã không được giới chức sở tại quan tâm đúng mức.
Vụ giải cứu bất thành đã kết thúc trong tối 23-8, sau 12 giờ thương lượng không kết quả, SWAT và cảnh sát Philippines đã buộc phải nổ súng, dùng búa tạ phá cửa kính, ném lựu đạn hơi cay và bắn hạ kẻ bắt cóc để giải cứu con tin. Đến nay đã xuất hiện nhiều tranh cãi về nguyên nhân của thất bại thảm hại này, đặc biệt sau khi Cảnh sát trưởng Manila Leocadio Santiago thừa nhận "có một số thiếu sót rõ ràng về nghiệp vụ, chiến thuật và thủ tục trong quá trình xử lý" vụ bắt cóc. Tổng thống Benigno Aquino cũng cho rằng, vụ giải cứu đẫm máu cho thấy rõ "những khuyết điểm" của lực lượng an ninh Philippines và khẳng định sẽ mở cuộc điều tra toàn diện.
Trong khi gia đình các nạn nhân cho rằng, lực lượng an ninh Philippines dùng vũ lực là không cần thiết thì các chuyên gia chống khủng bố nhận định, lực lượng này thiếu trang bị vũ khí và thiết bị liên lạc tối tân khi kẻ bắt cóc có súng M-16. Kẻ bắt con tin có vũ khí mạnh là cựu thanh tra cảnh sát cấp cao Rolando Mendoza - người từng là một trong 10 sĩ quan cảnh sát xuất sắc nhất Philippines năm 1986 - bị cách chức hai năm trước vì tội trộm cắp, tống tiền và vi phạm luật chống ma túy, nên việc khống chế không hề đơn giản.
Các cuộc xung đột cũng như sự lan rộng ngày một lớn của những tổ chức vũ trang bất hợp pháp là thách thức không nhỏ với Tổng thống Aquino và người dân quốc gia Đông Nam Á này. Vụ bắt cóc và thảm sát con tin vừa xảy ra chỉ là một trong những vụ tấn công người nước ngoài đang ngày một gia tăng tại Philippines. Gần đây nhất, một kẻ vũ trang lạ mặt đã bắn chết một người đàn ông Hàn Quốc tại Manila, trong khi tháng trước, một số người Mỹ, Nam Phi và Anh cũng đã trở thành mục tiêu của các vụ giết người - cướp của ở thủ đô Philippines... Thực trạng này cho thấy, xóa bỏ ấn tượng về Phillippines như một thủ phủ bắt cóc trên bản đồ du lịch thế giới hiện là bài toán khó giải với tân Tổng thống Aquino.
Những năm gần đây, Philippines trở thành điểm dừng chân của du khách nhiều nước, đặc biệt với sinh viên nước ngoài muốn nâng cao trình độ tiếng Anh. Vụ giải cứu con tin bất thành khiến Philippines sẽ phải trả giá đắt với những tổn thất không thể đong đếm. Đó là những tổn hại về hình ảnh đất nước và ngành du lịch của nước này chịu tác động trước tiên.
Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã ngay lập tức khuyến cáo khách du lịch nước này thận trọng khi định đến Philippines. Chính quyền Hongkong - khu hành chính đặc biệt thuộc Trung Quốc, đã ban bố cảnh báo du lịch xuất ngoại đen - mức cảnh báo cao nhất - với Philippines khi khuyến cáo người dân không nên tới quốc gia này; đồng thời kêu gọi du khách Hongkong đang có mặt tại Philippines trở về nhà sớm nhất có thể. Indonesia, Thái Lan, Pakistan, Nga... cùng một loạt quốc gia khác cũng đã khuyến cáo công dân của họ không nên đi du lịch Philippines...
Trong lúc chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng, Tổng thống Aquino tuyên bố quốc tang ngày 25-8 để tưởng niệm các du khách Hongkong thiệt mạng trong vụ bắt cóc. Chính phủ Philippines cũng cam kết sẵn sàng thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách nước ngoài; đồng thời đình chỉ công tác của 4 sĩ quan chỉ huy trong vụ giải cứu...
Vụ giải cứu con tin bất thành tại thủ đô Manila không chỉ là bài học đắt giá với Philippines mà với bất cứ quốc gia nào trên thế giới trong bối cảnh hội nhập kinh tế và mở cửa hiện nay. Kinh tế chỉ có thể phát triển, hình ảnh đất nước chỉ có thể tốt đẹp và để lại dấu ấn trong lòng du khách khi an ninh của một nước được bảo đảm an toàn tuyệt đối.