Phong trào thi đua cần thiết thực với mục tiêu của từng cơ quan, đơn vị
Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 25/08/2010
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ CBCNV ngành GTVT trong 65 năm qua. Thủ tướng yêu cầu ngành nỗ lực hơn nữa, đi trước một bước để góp phần đưa Việt Nam thành một nước cơ bản công nghiệp hiện đại vào năm 2020; đồng thời thực hiện tốt 5 nhiệm vụ: Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống quản lý, ứng dụng công nghệ mới, chống thất thoát, lãng phí; sáng tạo, tìm cơ chế huy động vốn xây dựng hạ tầng… Thứ hai, phát triển mạnh các loại hình vận tải, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Thứ ba, phát triển cơ khí GTVT, khuyến khích sự tham gia của các nguồn lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu. Thứ tư, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, kiên trì xây dựng các doanh nghiệp nhà nước mạnh có khả năng thực hiện những dự án, công trình lớn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thích ứng với cơ chế thị trường. Thứ năm, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Về thi đua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các phong trào cần thiết thực với mục tiêu của từng cơ quan, đơn vị.
* Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành nông nghiệp lần thứ III. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự.
Đại hội đã đề ra phương hướng phát triển toàn ngành trong 5 năm tới (2010-2015): GDP đạt từ 3,5 đến 3,8%; thu nhập bình quân lao động nông nghiệp đạt 20 triệu đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 21 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 43%; tổng sản lượng thủy sản đạt 6 triệu tấn; hằng năm xuất khẩu 6 triệu tấn gạo… Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng biểu dương những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành nông nghiệp phải cố gắng chống chọi với thiên tai, dịch bệnh để sản xuất hiệu quả cao. Phát triển nông nghiệp chính là đòn bẩy để hiện thực hóa công cuộc xây dựng nông thôn mới giàu mạnh.
* Ngày 24-8, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua "Dân vận khéo" 2009-2010. Các đồng chí Nguyễn Thế Trung, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận TƯ; Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cùng dự.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà hệ thống dân vận các cấp đã đạt được trong phong trào thi đua "Dân vận khéo" thời gian qua. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay, đồng chí yêu cầu thời gian tới các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" phát triển sâu rộng và có sự gắn kết chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị. Đồng thời gắn phong trào với các cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính… Đề nghị nhân rộng mô hình "Dân vận khéo" trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thực hành phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân"...
Nhân dịp này, Ban Dân vận TƯ đã khen thưởng một tập thể và một cá nhân; Ban Thường vụ Thành ủy khen tặng 11 tập thể và 10 cá nhân trong phong trào thi đua "Dân vận khéo".