Nút thắt là vốn đầu tư
Xã hội - Ngày đăng : 08:28, 24/08/2010
Ngổn ngang dự án
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Ba Vì đã được bê tông hoá
tạo thuận tiện cho người dân đi lại
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2010 đến nay, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã có hàng chục buổi đi kiểm tra tình hình thực hiện các dự án giao thông, hạ tầng đô thị tại các huyện. Qua khảo sát thực tế cũng như báo cáo của các huyện, thực trạng GTNT tại hầu hết các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH. Số lượng dự án xây dựng, cải tạo cầu đường trên địa bàn chưa nhiều, trong khi đường cũ, cầu cũ thì chật hẹp, xuống cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Có huyện dù đã được quan tâm đầu tư nhưng tiến độ triển khai dự án chậm.
Theo ông Đàm Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, quá trình triển khai các dự án giao thông tại huyện đang gặp một số khó khăn, bất cập. Cụ thể, các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn như đường Láng-Hòa Lạc, tại Km13 đoạn từ đê Đáy (Song Phương) đi Vân Côn nối với cầu vượt dài khoảng 2,5km vẫn chưa được đầu tư. Cầu chui dân sinh tại thôn Quyết Tiến (xã Vân Côn) thiết kế chưa phù hợp, chỉ có chui qua 2 đường cao tốc mà không chui qua đường gom, nên mất an toàn giao thông. Đường 422B (Sơn Đồng - Vân Canh) dài 4,02km được khởi công từ đầu năm 2008 nhưng đoạn qua khu dân cư xã Vân Canh vẫn đang vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB). Cầu Sơn Đồng do Ban QLDA Giao thông II (Sở GTVT) phụ trách cũng bị chậm tiến độ.
Đại diện UBND huyện Thanh Oai cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề hạ tầng giao thông. Từ trung tâm Hà Đông đi qua huyện chỉ có duy nhất tuyến quốc lộ 21B nhỏ hẹp và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Thời gian qua, TP đã có đầu tư cải tạo, sửa chữa nhưng cũng chỉ mang tính chắp vá. Đường liên xã, liên huyện vừa thiếu lại vừa yếu.
Băn khoăn nguồn vốn
Theo Sở GTVT và báo cáo của các huyện, tại mỗi huyện đều có hàng chục dự án xây dựng cầu đường đang được triển khai nhưng không ít dự án chậm tiến độ vì khó khăn về vốn. Ông Hoàng Sen, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, từ khi hợp nhất đến nay, trên địa bàn huyện triển khai 44 công trình giao thông với tổng mức đầu tư được duyệt trên 589 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với tổng kinh phí đầu tư cho giao thông của huyện giai đoạn năm 2005-2008. Tuy nhiên, do thay đổi cơ chế, chính sách về GPMB và trượt giá nên tại một số dự án trọng điểm, kinh phí đầu tư đội lên khá lớn. Ví dụ như tại dự án xây dựng tỉnh lộ 421B, tổng dự toán được duyệt ban đầu là 116 tỷ đồng nhưng đội lên 191 tỷ đồng, riêng kinh phí GPMB phát sinh thêm 55 tỷ đồng. Hiện tuyến đường mới chỉ thi công được trên 40%. Vừa qua, huyện đã có văn bản kiến nghị TP cấp thêm 37 tỷ đồng. Hay như dự án xây dựng đường trục chính Bắc Nam khu đô thị Quốc Oai, dự toán GPMB bị đội lên thêm 114 tỷ đồng, huyện phải báo cáo TP cấp thêm kinh phí.
Với huyện Mỹ Đức, do khó khăn về vốn nên nhiều dự án mới chỉ hoàn thành 20-50% khối lượng công việc. Để bảo đảm tiến độ, huyện đã báo cáo TP bổ sung trên 195,7 tỷ đồng để hỗ trợ phần kinh phí xây lắp và đền bù GPMB cho 10 dự án giao thông.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho rằng, GTNT có ý nghĩa rất quan trọng và tác động trực tiếp đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Hiện nay, nhu cầu đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn TP là rất lớn, Thành ủy, UBND TP sẽ tiếp tục quan tâm đẩy mạnh đầu tư, từng bước đưa nông thôn tiến gần hơn với thành thị. Với đề xuất của các huyện về bổ sung kinh phí, TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xem xét bố trí sớm. Ban Chỉ đạo GPMB TP làm việc với UBND các huyện để kịp thời tháo gỡ khó khăn về GPMB theo hướng có lợi nhất cho dân. Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các huyện khẩn trương hoàn thành công tác xây dựng, lập quy hoạch phát triển giao thông nông thôn, làm cơ sở triển khai các dự án sau này theo hướng đồng bộ, hiện đại và phát huy hiệu quả. Với các dự án bị chậm tiến độ, Sở GTVT kịp thời kiểm tra, đôn đốc nhà thầu tập trung thi công.
Theo ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, để giải quyết bài toán nguồn vốn cho xây dựng GTNT, các huyện có thể tính tới việc kêu gọi xã hội hóa. Bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của TP, phương án khả dĩ nhất hiện nay là huyện chủ động tìm các khu đất phù hợp, tổ chức đấu giá. Nguồn kinh phí thu được từ đó sẽ đầu tư cho các dự án xây dựng điện, đường, trường, trạm. Sở Quy hoạch và Kiến trúc và các sở, ngành liên quan sẽ tích cực hỗ trợ địa phương làm tốt công tác này.