Khoảng cách nguy hiểm

Thế giới - Ngày đăng : 07:32, 24/08/2010

(HNM) - Ngày 22-8, Iran khẳng định tiềm lực quân sự mới khi nước Cộng hòa Hồi giáo này cho ra mắt loại máy bay tấn công không người lái tầm xa đầu tiên mang tên Karar - biệt danh của lãnh tụ Hồi giáo đầu tiên của người Shiite, do Iran tự chế tạo.

Lãnh đạo chính quyền Tehran trong buổi công bố máy bay không người lái Karar đầu tiên của nước này.


Có tầm bay khoảng 1.000km, Karar được cho là có thể dội bom tạ và phóng tên lửa chính xác vào mục tiêu khi đang bay ở tốc độ cao. Với tính năng này, các phi đội bay "cảm tử" của Tehran đã đặt mục tiêu quanh Vịnh Ba Tư hay còn gọi là Vịnh Persian trong một khoảng cách vừa phải đầy nguy hiểm. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi, dự kiến vào dịp kỷ niệm Tuần lễ Chính phủ thường niên (từ ngày 21 đến 30-8), Tehran sẽ còn cho ra mắt hàng loạt vũ khí tối tân như, hai loại tàu cao tốc Seraj và Zolfaqar được trang bị hỏa lực tầm xa và hai loại tên lửa nổi tiếng là Qiam và Fateh 110 thế hệ thứ ba…

Sẽ chẳng có gì đáng bàn về những tiến bộ mà ngành công nghiệp quốc phòng Iran đạt được nếu như cuộc khủng hoảng hạt nhân tại quốc gia này không chịu nhiều áp lực mạnh mẽ từ các cường quốc phương Tây. Chuyện đó diễn ra một ngày, sau khi Iran bắt đầu nạp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Bushehr. Từ trước tới nay, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, liên tục phản đối nhà máy này đi vào hoạt động vì lo ngại Tehran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân. Còn nhớ, trong phát biểu hồi trung tuần tháng 8 này, khi có thông tin chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad sẽ nạp nhiên liệu cho Bushehr, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc John Bolton đã bày tỏ rằng, Israel có "tám ngày" để tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào cơ sở hạt nhân Bushehr của Iran và ngăn chặn Tehran sở hữu một nhà máy nguyên tử vận hành. Khi đó, Tehran đã cảnh báo, một cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này sẽ không khác gì phạm "tội ác quốc tế" vì hậu quả của nó sẽ không chỉ giới hạn ở quốc gia sở hữu nhà máy mà còn lan rộng ra phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, trước việc nhà máy Bushehr bắt đầu được nạp nhiên liệu, Mỹ và nhiều quốc gia khác lại có những phản ứng thận trọng. Trong một thông cáo phát đi ngày 22-8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington không nhận thấy "nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nào" từ nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran. Còn Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định, Iran không cần làm giàu urani nhằm thu được năng lượng hạt nhân sau khi Nhà máy Bushehr bắt đầu nạp nhiên liệu. Trong khi đó, Israel lại cho rằng việc nạp nhiên liệu cho nhà máy trên là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", đồng thời kêu gọi gia tăng sức ép từ cộng đồng quốc tế nhằm buộc Tehran ngừng mọi hoạt động làm giàu urani.

Dư luận cho rằng, thái độ thận trọng như vậy của các cường quốc phương Tây khi Iran vận hành nhà máy này cũng bởi nhiều lý do. Trước hết, đây là sự hợp tác giữa quốc gia Hồi giáo này với Nga, một trong năm nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thêm vào đó, ngay khi nạp nhiên liệu, Iran và Nga đã ký hiệp định thành lập xí nghiệp liên doanh để quản lý nhà máy điện này và được đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của ba bên gồm Iran, Nga và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). IAEA cũng tuyên bố sẽ thanh sát thường xuyên Nhà máy điện hạt nhân Bushehr và sẽ áp dụng các biện pháp thẩm tra phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn mà cơ quan này đề ra. Bởi vậy, đưa ra một phản ứng mạnh sẽ bất lợi, ảnh hưởng đến nhiều bên.

Thêm vào đó, cùng với việc công bố những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực quốc phòng, Tehran còn đang củng cố thêm nhiều đồng minh của mình. Theo nguồn tin ngoại giao, ngày 21-8, trong chuyến thăm của Tổng thống M.Ahmadinejad tới Lebanon, dự kiến diễn ra sau tháng lễ Ramadan (vào đầu tháng 9 tới), Iran sẽ cung cấp một hệ thống phòng thủ tên lửa cho nước này. Iran đã đưa ra đề nghị hỗ trợ cho Các lực lượng vũ trang Lebanon (LAF) sau khi một số nghị sỹ Mỹ quyết định dừng viện trợ quân sự của Mỹ cho Lebanon do lo ngại về tầm ảnh hưởng của nhóm vũ trang quân sự Hezbollah dòng Shiite đối với quân đội. Đây là điều mà Israel, đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông, hết sức lo ngại.

Rõ ràng, gây thêm căng thẳng khi Iran cung cấp đủ nhiên liệu cho Nhà máy Bushehr sẽ là... phản tác dụng. Mỹ, các nước phương Tây, thừa hiểu điều ấy. Tuy nhiên, dư luận lo ngại, ẩn chứa phía sau đó sẽ có nhiều diễn biến phức tạp khó đoán định. Với Iran, việc Nhà máy Bushehr được vận hành và giới thiệu vũ khí mới đã là câu trả lời đối với những án phạt của Mỹ và Liên hợp quốc vừa áp dụng. Vô hình trung, những rào cản làm giảm niềm tin giữa các bên đang đẩy cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran vào chỗ phức tạp hơn.

Trung Hiếu