Nhiều bất cập, ít hiệu quả

Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 24/08/2010

(HNM) - Khu vực nông thôn Hà Nội hiện có 308 chợ các loại, song phần lớn là chợ tạm, chợ tự phát, quy mô nhỏ, hạ tầng yếu kém.

Theo Sở Công thương Hà Nội, hoạt động của nhiều chợ hiện chưa hiệu quả, không ít chợ được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng khi đưa vào sử dụng không thu hút được người dân cũng như các tiểu thương kinh doanh buôn bán, dẫn đến tình trạng "đắp chiếu", gây lãng phí lớn. Giải quyết thực trạng này cũng là một yêu cầu cấp bách trong việc thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội và để nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát huy hiệu quả trong thực tế.

Chợ quê - nơi thừa, nơi thiếu


Chợ Minh Khai (huyện Từ Liêm) không một bóng người (chụp lúc 10h ngày 22-8-2010).


Có mặt tại chợ Minh Khai (xã Minh Khai, huyện Từ Liêm), chúng tôi không nghĩ đây là chợ, vì cổng mở nhưng bên trong không một bóng người. Hàng trăm sạp hàng trống hoác ngoài trời, 2 dãy kiốt được xây dựng kiên cố, khang trang mà không thấy gian nào mở cửa. Tìm hiểu được biết, năm 2002, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng chợ đầu mối nông sản Minh Khai diện tích 41.500m2 do Công ty TNHH NN MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng, chia ra 2 giai đoạn. Đến nay, các hạng mục thuộc giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành, gồm 228 sạp hàng ngoài trời; 183 kiốt thuộc 2 dãy nhà A1, A2; bãi đỗ xe; nhà quản lý... Năm 2008, chợ Minh Khai chính thức khai trương, nhưng chỉ sau một thời gian đã gần như ngừng hoạt động. Nhiều hộ đã mua quầy ở đây với cả trăm triệu đồng, nay phải bỏ.

Không chỉ có chợ Minh Khai, nhiều chợ ở ngoại thành Hà Nội cũng đang trong cảnh "chết dần, chết mòn" do không phát huy hiệu quả. Chợ Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ xây năm 2002 trên diện tích 1,5ha, tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, gồm 2 nhà cầu chính và hơn 10 nhà cầu bán thực phẩm tươi sống, rau quả... nhưng chỉ có dãy kiốt là phủ kín người bán, diện tích còn lại mới sử dụng 50-60%; diện tích bỏ trống chỉ để dựng xe và chứa chất thải. Tương tự, chợ chiều thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) được đầu tư hơn 500 triệu đồng năm 2008 với 2 nhà cầu chính và 2 nhà cầu phụ. Đến nay, 2 nhà cầu chính chỉ có 2 quầy bán quần áo, còn lại đều bỏ trống. Tuy nhiên, cách chợ chiều này không xa, trên tuyến đường liên huyện Quốc Oai đi thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ) lại có chợ tự phát chật cứng người bán, kẻ mua, gây ách tắc giao thông...

Trong khi nhiều chợ được đầu tư tiền tỷ vắng khách, xã có chợ vẫn không ai vào họp… thì nhiều khu vực ở ngoại thành chưa có chợ để giao lưu hàng hóa. Với lợi thế vùng đất bãi ven sông màu mỡ, xã Kim An (Thanh Oai) đang tập trung sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa với diện tích hơn 100ha. Mỗi năm, người dân sản xuất ra hàng trăm tấn rau, củ, quả các loại. Do xã chưa có chợ nên hầu hết nông sản làm ra đều bán cho tư thương tại ruộng nên giá cả thường thấp hơn thị trường. Ngoài ra, để mua sắm đồ dùng thiết yếu, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống, người dân xã Kim An phải đến các chợ khác mất rất nhiều thời gian. Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Mạnh Huỳnh kiến nghị huyện Thanh Oai sớm quan tâm đầu tư xây dựng cho xã một cái chợ, vừa để bà con buôn bán nông sản vừa để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Kim An chỉ là một trong số nhiều địa phương ở các vùng nông thôn đang mong có chợ từng ngày. Theo thống kê, huyện Thạch Thất còn 7 xã, huyện Chương Mỹ còn 10 xã chưa có chợ…

Thiếu chợ, hoặc chợ xuống cấp và tâm lý thích mua, bán hàng bên lề đường, vỉa hè, không tốn nhiều thời gian, không mất tiền thuê đất... là nguyên nhân khiến các chợ cóc, điểm dịch vụ tự phát hình thành và phát triển. Nhiều chợ họp ngay trên đường giao thông, hay tại sân đình như chợ Bích Hòa, chợ Kim Bài (Thanh Oai), chợ Bương (Quốc Oai), chợ Tây Đằng (Ba Vì)... gây tắc nghẽn giao thông, mất mỹ quan và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Có nên xây mỗi xã một chợ?


Chợ họp giữa đường gây mất mỹ quan và ách tắc giao thông tại Bình Đà (huyện Thanh Oai). Ảnh: Chí Đạo - Nghiêm Đức

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, việc chợ nông thôn (kể cả các chợ mới xây dựng) hoạt động kém hiệu quả, vắng khách như hiện nay có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính là do các chợ chưa được đầu tư đồng bộ; địa điểm đặt chợ chưa phù hợp, không thuận tiện giao thông; hoặc chưa đáp ứng nhu cầu có chợ của người dân. Một số chợ do năng lực của ban quản lý còn kém cũng khiến nhiều tiểu thương không chịu vào chợ họp. Những năm qua, nhiều địa phương đã đầu tư mạnh mẽ cho việc hình thành mạng lưới chợ, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp, nhiều nơi chỉ có thể cải tạo, nâng cấp, sửa chữa chứ không thể xây mới.

Thực hiện Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020", hiện nay, Sở Công thương đang hoàn thiện quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ, định hướng tập trung vào việc cải tạo, nâng cấp, xây mới để có đủ chợ dân sinh quy mô hạng 3 ở các xã, đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa hằng ngày của nhân dân; nâng cấp hoặc xây mới chợ ở các thị trấn, thị tứ thành các chợ lớn hơn có quy mô chợ hạng 1, hạng 2 để trở thành chợ trung tâm của huyện hoặc tiểu vùng gồm nhiều xã, làm hạt nhân của mạng lưới chợ dân sinh… Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục PTNT, việc đầu tư xây dựng chợ nông thôn là cần thiết, tuy nhiên, theo các tiêu chí nông thôn mới, chợ nông thôn ở các xã phải đạt chuẩn của Bộ Xây dựng về diện tích, quy mô… là không phù hợp, không nên xây mỗi xã một chợ vì như vậy sẽ gây lãng phí.

Thực tế hiện nay cho thấy, cần xây dựng các chợ quy mô vùng (2-3 xã chung một chợ) là hợp lý hơn cả, vừa đáp ứng nhu cầu buôn bán, vừa đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa trong vùng. Để hệ thống chợ nông thôn phát triển, trước khi đầu tư xây chợ mới, các ngành chức năng cần khảo sát, tính toán kỹ lưỡng nhu cầu mua, bán của từng địa phương; chú ý tới yêu cầu việc đa dạng hóa các loại hình chợ, đặc biệt chú ý kết hợp hài hòa giữa chợ truyền thống và chợ hiện đại. Mặt khác, việc phân bố mạng lưới chợ nông thôn phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quá trình xây dựng chợ phải chú ý đến quy mô giao dịch, chuỗi cung ứng hàng hóa, điều kiện giao thông, nguồn lực và văn hóa của từng địa phương để khai thác có hiệu quả cao.

Thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng đến 2030, trong giai đoạn 2010-2015, TP sẽ đầu tư xây mới 69 chợ, cải tạo, nâng cấp 75 chợ đã có; giai đoạn 2016-2020 cải tạo, nâng cấp 100 chợ đã có để phục vụ tốt nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa, vật tư, sản phẩm của người dân. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ gần 700 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2015 có 75% số chợ nông thôn đạt chuẩn.

Nhóm PV NN-NT