Sinh vật ngoài hành tinh 'có thể sống mãi'
Công nghệ - Ngày đăng : 14:12, 23/08/2010
Những cỗ máy biết tư duy của các nền văn minh khác có thể tập trung gần các ngôi sao trẻ và nóng. Ảnh minh họa: markstechnologynews.com. |
BBC cho biết, SETI- tổ chức chuyên tìm kiếm những nền văn minh ngoài trái đất - vẫn đang chờ đợi những tín hiệu radio từ những nền văn minh khác. Nhưng tiến sĩ Seth Shostak, một nhà thiên văn của SETI, cho rằng sinh vật ngoài hành tinh đã có thể chế tạo những cỗ máy biết suy nghĩ. Vì thế, thay vì tìm kiếm những sinh vật sống, Shostak nghĩ chúng ta nên chú ý tới những cỗ máy có trí tuệ.
Nhiều nhà khoa học của SETI cho rằng những sinh vật trong vũ trụ chẳng những có ngoại hình giống loài người, mà còn có cơ chế sinh học giống hệt chúng ta, nghĩa là chúng chỉ sống trong một khoảng thời gian xác định. Song nhiều chuyên gia khác lại khẳng định các nền văn minh khác đã có khả năng chế tạo những cỗ máy biết tư duy nên chúng có thể sống mãi.
John Elliott, một nhà nghiên cứu của Đại học Leeds tại Anh, nhận định suy đoán của tiến sĩ Shostak là một giả thuyết mang tính đột phá. Theo ông, các cỗ máy biết tư duy có thể tồn tại trong vùng trung tâm của các thiên hà – nơi chứa đầy vật chất và năng lượng – để chúng tồn tại mãi mãi. Như vậy, con người nên tìm kiếm theo một hướng khác, chứ không chỉ ngóng chờ những tín hiệu radio từ vũ trụ. Sau hơn 50 năm tìm kiếm tín hiệu radio, SETI nhận ra rằng nếu các nền văn minh khác tồn tại thì rất có thể những cỗ máy biết tư duy là đại diện của chúng.
Cả tiến sĩ Shostak và tiến sĩ Elliott đều thừa nhận rằng, tìm thấy và giải mã những thông điệp từ các cỗ máy là việc khó hơn nhiều so với thông điệp từ các sinh vật sống. Mặc dù vậy, giả thuyết của Shostak giúp giới khoa học vạch ra nhiều hướng mới trong nỗ lực tìm kiếm nền văn minh ngoài địa cầu. Chẳng hạn, các thiết bị kỹ thuật của chúng ta nên hướng về phía các ngôi sao nóng và mới hình thành gần trung tâm các thiên hà. Những ngôi sao như thế có rất nhiều vật chất và năng lượng, thứ mà các cỗ máy cần.