Lộ rõ bất cập
Kinh tế - Ngày đăng : 07:50, 23/08/2010
Quy định lỏng lẻo
Khơi thông kênh dẫn nước La Khê phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thái Hiền
Nghị định 115/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó có miễn thủy lợi phí (MTLP) có hiệu lực từ ngày 1-1-2009 đã tác động tích cực đối với nông dân, khi đối tượng cấp bù MTLP được mở rộng, không phân biệt công trình được đầu tư bằng nguồn vốn nào. Mức thu thủy lợi phí (TLP) để được cấp bù cũng cao hơn (khoảng 7.000 tỷ đồng/năm) so với mức cũ, cơ bản bảo đảm yêu cầu quản lý và thống nhất trong từng vùng. Song, chính sách MTLP đã bộc lộ một số vấn đề sau hơn 1 năm thực hiện. Trước đây, khi chưa có chính sách MTLP việc quản lý, tu sửa kênh mương nội đồng thuộc trách nhiệm của các HTX nông nghiệp. Trong trường hợp các HTX để hệ thống mương máng xuống cấp, không bảo đảm đầy đủ việc cung cấp nguồn nước tưới sẽ khó thu được tiền TLP của dân. Nay do miễn thu TLP nên tính ràng buộc trách nhiệm không cao, khiến công tác quản lý công trình thủy lợi có phần lỏng lẻo, dẫn tới hệ thống kênh mương bị xuống cấp, không ít địa phương để xảy ra thường xuyên tình trạng úng ngập vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô. Do kinh phí chi trả TLP được ngân sách cấp bù, nên việc sử dụng nước lãng phí, gây mất cân bằng về nguồn nước, chất lượng phục vụ chưa bảo đảm và kịp thời. Nhiều hộ nông dân ở đầu nguồn sử dụng nước "thả phanh", trong khi đó các hộ cuối nguồn luôn nằm trong tình trạng chờ nước, ảnh hưởng tới khung thời vụ sản xuất.
Ông Nghiêm Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho rằng, từ khi được miễn TLP, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp thủy lợi với các tổ chức hợp tác dùng nước đôi khi thiếu chặt chẽ, có khi còn xảy ra bất đồng trong ký kết hợp đồng tưới tiêu. Mặt khác, hệ thống công trình thủy lợi rộng nên khó xác định chính xác phương thức tưới tiêu và biện pháp công trình ảnh hưởng đến tiến độ cấp bù tiền MTLP cho các địa phương. Hà Nội được đánh giá là địa phương triển khai nhanh và khá hiệu quả việc cấp bù ngân sách chi trả TLP so với các địa phương trong nước, tuy nhiên đến giữa tháng 8, toàn thành phố mới tạm cấp bù được 70% kinh phí năm 2009 cho các HTX nông nghiệp, trong khi đó một số địa phương vẫn chưa xác định được mức thu theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP và chưa thực hiện việc cấp bù kinh phí chi trả TLP cho các HTX nông nghiệp.
Cần cơ chế rõ ràng
Do trên địa bàn Hà Nội có sự phục vụ tưới, tiêu đan xen giữa doanh nghiệp thủy lợi Hà Nội và các tỉnh liền kề, nên có không ít vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai, như chưa thống nhất được mức thu áp dụng theo quy định địa bàn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hay địa bàn phục vụ gây khó cho doanh nghiệp thủy lợi. Theo ông Nguyễn Quốc Hội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Nhuệ, trong Nghị định 115/2008/ NĐ-CP không quy định loại hình tạo nguồn của tạo nguồn; việc tạo nguồn tưới chỉ có quy định với kênh cấp 1, cấp 2 và cấp 3, do đó việc tính toán mức thu rất khó khăn. Trong thực tế có những diện tích, doanh nghiệp chỉ cung cấp được dịch vụ tưới, không có dịch vụ tiêu hoặc ngược lại, nghị định lại không quy định mức thu này. Ông Nguyễn Quốc Hội cho biết, công ty đang đảm nhiệm cung cấp nước cho 5.000ha canh tác của tỉnh Hà Nam, nhưng chưa thu được tiền TLP, bởi tỉnh này không giao kế hoạch cho các đơn vị thủy lợi của các huyện Duy Tiên và Kim Bảng.
Ông Nghiêm Xuân Đông cho biết thêm, việc tiêu nước cho các khu công nghiệp rất lớn, chi phí cho bảo trì hệ thống kênh mương lại cao do nằm xen kẹp nhưng cũng không được đề cập trong nghị định. Việc xác định doanh thu để thu phí sử dụng nước từ các cơ sở dịch vụ nuôi trồng thủy sản tại công trình hồ chứa thủy lợi, sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, nghỉ mát, an dưỡng, giải trí (kể cả kinh doanh sân gôn, casinô, nhà hàng) cũng rất khó khăn do các hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ này có tư tưởng chây ỳ...
Có thể nói, MTLP là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với nông dân, nhằm giảm gánh nặng, cải thiện đời sống của họ. Đây là vấn đề lớn với những khó khăn, phức tạp và sự bất cập riêng. Để công tác MTLP được thực hiện hợp lý, kịp thời, chính xác và có hiệu quả thì những đề xuất của các địa phương trong quá trình thực hiện cần được các bộ, ngành liên quan tháo gỡ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng: Cần điều chỉnh hợp lý mức thu
Quy định rõ việc tưới, tiêu trên địa bàn phải thực hiện theo mức thu do UBND cấp tỉnh tại địa phương đó quy định; các bộ, ngành có liên quan nên bổ sung, điều chỉnh các mức thu cho diện tích tưới nhiều cấp bơm, nên áp dụng biện pháp tưới 2 cấp thu 130%, 3 cấp thu 150% và 4 cấp thu 170% tương ứng với từng loại cây trồng.
Việc tiêu nước cho các khu công nghiệp đề xuất thu bằng 50% mức thu của trồng lúa; mức thu tạo nguồn đến đầu kênh cấp 1 thu 20%, tới kênh cấp 2 thu 30%, tới kênh cấp 3 thu 40% tương ứng với từng loại cây trồng.
Mức thu nuôi trồng thủy sản để tính theo vụ, mỗi vụ bằng 125 đồng/m2 mặt thoáng; mức thu nuôi trồng thủy sản tại các công trình hồ chứa thủy lợi đề nghị thu theo diện tích mặt nước trung bình của hồ chứa nên thu 150 đồng/m2 mặt thoáng.
Mức thu sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, nghỉ mát, an dưỡng, giải trí thu theo diện tích sử dụng, mức thu bằng mức thu tưới cho trồng lúa.