Phải tăng “chất” Hà Nội!
Thể thao - Ngày đăng : 08:36, 22/08/2010
- Điều gì còn đọng lại trong ông từ lần vô địch ấy?
- Đấy là sự phấn khích. Phấn khích vì đội nhà thắng đối thủ đầy duyên nợ Thể Công, khi đó còn gọi là CLB Quân đội. Phấn khích vì đấy là chức vô địch quốc gia đầu tiên của Công an Hà Nội, điều mà lúc thi đấu tôi chưa đạt được. Phấn khích cũng vì không khí cổ vũ nhiệt tình của hơn 2 vạn khán giả ngồi chật khán đài sân Hàng Đẫy. Lúc đó, khán giả không đánh trống, thổi kèn, trương băng rôn lên hay đốt pháo sáng như bây giờ, nhưng cách cổ vũ cũng đầy "chất lửa". Như bây giờ chúng tôi vẫn gọi là "chất lửa kiểu bao cấp", đầy nhẹ nhàng nhưng vẫn hâm nóng được cầu trường.
- Lúc ấy khán giả là động lực để cầu thủ cống hiến hết mình, thưa ông?
- Thời chúng tôi kinh tế đất nước khó khăn, tiềm lực kinh tế các đội đều nghèo như nhau. Vì vậy tiền bạc không phải là mục tiêu khi chúng tôi vào trận. Khán giả, danh dự bản thân mới là điều được đặt lên hàng đầu. Thời đấy các khán đài sân Hàng Đẫy luôn đầy ắp khán giả mỗi khi có bóng đá. Nói thật, thi đấu mà có cả biển người cổ vũ như vậy là tự khắc cầu thủ phải có ý thức chơi hết mình. Không thể khác được.
- Việc một đội bóng Hà Nội đăng quang, nhất là sau 26 năm kể từ ngày Công an Hà Nội vô địch quốc gia có khiến ông hứng thú?
- Với tôi, nó cũng như nhiều trận đấu khác. Và từ lâu rồi tôi không đến sân xem bóng đá nội, nhất là sau khi nghỉ huấn luyện đội U15 Hà Nội. Mà hồi đó tôi đến sân cũng vì các cầu thủ trong đội được phân công làm nhiệm vụ nhặt bóng.
- Chẳng lẽ bóng đá nội không đủ hấp dẫn ông?
- Gạt qua những lý do khách quan như móc ngoặc hoặc nhường nhịn nhau giữa các đội từng làm bóng đá Việt Nam điêu đứng một thời, tôi chỉ nói về yếu tố chuyên môn. Thú thực, xem bóng đá bây giờ không sướng. Yếu tố thể lực được xem trọng và thực tế thì tốc độ, sức mạnh trong các trận đấu hiện nay hơn hẳn thời trước. Nhưng về kỹ thuật và khả năng vận hành chiến thuật lại có phần không bằng. Xem cách nhiều cầu thủ bây giờ khống chế, chuyền và dứt điểm thấy họ còn thiếu về kỹ thuật cơ bản lắm. Nó khác hẳn thời chúng tôi khi cầu thủ được dạy kỹ về kỹ thuật cơ bản. Không kể, ít cầu thủ có "ngón độc" nên cũng không làm khán giả hứng thú. Kiểu như Văn Quyến, Công Vinh thì ngày trước không thiếu.
- Vậy có phải bây giờ khán giả Hà Nội đã đưa bóng đá xuống hàng thứ yếu, khác hẳn ngày trước?
- Tôi không nghĩ như vậy. Sân Hàng Đẫy có thể vắng khán giả nhưng tại sao SVĐ Mỹ Đình mỗi khi đội tuyển quốc gia hoặc U23 quốc gia thi đấu trong khuôn khổ SEA Games hay giải vô địch Đông Nam Á vẫn đông nghẹt người đấy thôi!
- Ông có bất ngờ khi Hà Nội T&T đăng quang trên sân Hàng Đẫy thưa vắng khán giả, khác hẳn khung cảnh 26 năm trước không?
- Tôi không bất ngờ. Từ lâu rồi các CLB chuyên nghiệp của Hà Nội đã phải thi đấu trên SVĐ trống vắng khán giả và đó là thực tế buồn. Ngoài yếu tố chuyên môn không thuyết phục còn phải kể đến những yếu tố ngoại cảnh khác như bây giờ người hâm mộ được xem nhiều trận cầu đỉnh cao thế giới nên không tránh khỏi so sánh với bóng đá nội, dẫn tới kém hào hứng đến sân. Nhưng có một yếu tố khác cần tính đến, tính địa phương, hay nói nôm na là cầu thủ gốc Hà Nội hoặc chí ít là trưởng thành từ lò đào tạo của CLB trong các đội bóng này quá ít. Nếu khán giả có nghĩ rằng đấy không phải là đội bóng của địa phương mình thì cũng phải thông cảm.
- Vậy ông có tin trong tương lai gần, sân Hàng Đẫy lại trở về những ngày hoàng kim, đông nghịt khán giả của mình không?
- Chắc cũng phải một thời gian dài nữa. Nhưng để được thế, chắc cái chất Hà Nội cả về con người lẫn lối chơi trong các đội bóng phải cao hơn hiện nay rất nhiều và nếu biểu tượng của đội bóng đá là một người Hà Nội sẽ là tốt nhất. Tuy nhiên cũng cần phải tính đến hiệu quả trong lối chơi của các đội bóng bởi thực tế bóng đá ít nhất trong 10 năm qua đã chứng minh rằng bóng đá Việt Nam chưa có những khán giả trung thành như bóng đá Anh cũng như một số nước khác. Khi đó, dù đội bóng cầm chắc xuống hạng, vẫn có cả chục nghìn khán giả tới sân cổ vũ. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Khi đội nhà thắng, khán giả đến sân đông. Khi đội nhà thua dài dài, thì dù đội nhà đầy cầu thủ người địa phương, số khán giả vẫn tụt thê thảm.