Nhiệm vụ “tối thượng” của bóng đá Thủ đô

Xã hội - Ngày đăng : 08:32, 22/08/2010

(HNM) - Mùa giải 2010, bóng đá Hà Nội có đến ba niềm vui: Hà Nội T&T vô địch, Hòa Phát HN trụ hạng thành công, HN ACB thăng hạng. Đúng là một năm

CĐV Hà Nội T&T trên sân vận động Hàng Đẫy. Ảnh: Thanh Hải


Thưa vắng Hàng Đẫy
Một trận đấu ăn mừng ngày vô địch của Hà Nội T&T mà chỉ có gần 4.000 khán giả thì đó là chuyện không thể tin nổi. Hà Nội T&T đá sân nhà chứ không phải sân đối phương, liệu đó có là bình thường? Đã nhiều năm nay, sân Hàng Đẫy không còn là niềm tự hào về lượng khán giả. Con số 1.000 - 2.000 khán giả/trận là thường xuyên, còn 4.000-5.000 khán giả/trận là rất đặc biệt và dường như sân Hàng Đẫy rất hiếm ngày "đặc biệt". Khán giả Hà Nội thờ ơ với BĐ đỉnh cao, nó hoàn toàn khác lạ với những chiều chủ nhật cách đây 15 năm, đường Trịnh Hoài Đức đông vui như hội. Có tiểu phẩm vui về bóng đá đã cải biên hai câu thơ của Tú Xương để tả cảnh mua, bán vé bóng đá ở sân Hàng Đẫy: "Cô hàng bán vé lim dim ngủ, mấy chú dân "phe" ngáp mỏi mồm". Không hiểu bóng đá đã tụt xuống hàng thứ mấy chục trong các ưu tiên thưởng thức của người Hà Nội?

Những người có trách nhiệm đã giải thích chuyện này rằng bây giờ, khi truyền hình thường xuyên phát những trận bóng hay, đỉnh cao của thế giới nên khán giả bội thực mà không đến SVĐ Hàng Đẫy nữa. Đó là cách giải thích ngụy biện. Các địa phương như Bình Dương,    Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đồng Tháp… chẳng lẽ truyền hình địa phương, truyền hình cáp không phát những chương trình như Hà Nội? Sao những nơi này khán giả vẫn chật sân?

Bóng đá phải có khán giả!
Thể Công, Hà Nội ACB (hậu duệ của CAHN), Hòa Phát Hà Nội thay nhau xuống hạng là một trong những lý do để người hâm mộ Hà Nội ngoảnh mặt làm ngơ với bóng đá. Họ vốn rất sành, rất kén chọn trong việc thưởng thức nghệ thuật nói chung và bóng đá nói riêng. Hay thì xem, dở lập tức bỏ ngay và không bao giờ đếm xỉa lại. Phản ứng của các "thượng đế bóng đá" Hà Nội là phản ứng của con chim đã bị tên, khi thấy làn cây cong là sợ.

Các sân Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thanh Hóa… cũng có tình trạng đó. Khi đội bóng của các địa phương này chơi như lên đồng, không cần quảng cáo, cổ động rồng rắn trên đường mà SVĐ vẫn chật cứng. Ấy vậy mà thời gian vừa qua, chỉ có chừng 1/4, 1/5 số chỗ ngồi được lấp đầy. Chất lượng chuyên môn của đội chủ nhà đã dẫn đến tình trạng đó. Kể ra để thấy rằng muốn sân Hàng Đẫy đông khán giả chỉ bằng 2/3 sân Lạch Tray (Hải Phòng) thì phải nâng chất lượng chuyên môn tới mức tối đa. "Lượng" đã có… thừa (3 đội) nhưng "chất" mới quan trọng. Có người đã có… sáng kiến là gom cầu thủ giỏi của 3 đội làm một để có 1 đội tuyển Hà Nội thì sân Hàng Đẫy sẽ đông khán giả.

Kéo khán giả đến sân Hàng Đẫy là nhiệm vụ tối thượng của bóng đá Hà Nội hôm nay. Một SVĐ lèo tèo khán giả là một SVĐ… chết. Tiếng hò reo náo động luôn là động lực của những người trong cuộc. Không có nó, cầu thủ sẽ không hào hứng thi đấu. Mục tiêu của bóng đá chuyên nghiệp là lấy bóng đá nuôi bóng đá, một khi "thu" lèo tèo, "chi" vượt ngưỡng thì rất khó để doanh nghiệp "trụ" với bóng đá và chuyện rao bán đội bóng như Thể Công năm qua sẽ tiếp tục xảy ra.

Năm 2011, bóng đá Việt Nam phải chuyên nghiệp 100% nên càng đòi hỏi các đội bóng Hà Nội phải nâng cao chất lượng chuyên môn. Một khi khẩu hiệu "khán giả đầy ắp hay là chết?" chưa được quán triệt và trở thành nỗi nhức nhối thường xuyên của từng thành viên đội bóng thì SVĐ Hàng Đẫy vẫn chỉ là một cái chùa… Bà Đanh.

Quà mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long đã có nhưng mới chỉ là một nửa, nửa còn lại phải là những dòng người bất tận trước các quầy bán vé quanh sân Hàng Đẫy.

Hà Thành