Hai vai nặng gánh
Chính trị - Ngày đăng : 08:00, 22/08/2010
Thứ nhất, người đảm nhận "hai vai" Đảng và chính quyền khó thực hiện hài hòa giữa hai mảng công việc khi mà khối lượng công việc ở cơ sở quá nhiều. Chủ tịch phải giải quyết các công việc cụ thể, trực tiếp, phức tạp nên dễ sa vào giải quyết sự vụ của chính quyền mà bê trễ việc Đảng. Công tác Đảng ở nhiều nơi thường giao cho phó bí thư trực đảm nhận (văn phòng đảng ủy lại không có cán bộ chuyên trách). Việc đề xuất các chủ trương lớn có tầm lãnh đạo lại bị hạn chế.
Thứ hai, quá trình thực hiện nhiệm vụ của bí thư kiêm chủ tịch đang gặp những bất cập. Sự chưa đồng bộ về tổ chức, bộ máy cùng quy chế hoạt động liên thông giữa cấp huyện và cấp cơ sở (cấp trên - cấp dưới) chưa rõ ràng, cụ thể, gây khó cho bí thư kiêm chủ tịch UBND ở cơ sở. Chỉ riêng việc họp trùng, họp nhiều cũng đã khiến nhiều vị phải cân nhắc, tiến thoái lưỡng nan. Không dự họp thì việc lĩnh hội kế hoạch công tác, sự chỉ đạo của cấp trên để triển khai cho địa phương bị hạn chế, không đầy đủ. Đó là chưa kể nhiều khi công văn triệu tập họp của cấp trên lại trùng với lịch làm việc, giao ban đã ấn định ở cơ sở, khiến cho việc bố trí sắp xếp đầu việc bị đảo lộn…
Có thể nói, mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND là bước đột phá trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, tạo thuận lợi cơ bản cho công tác lãnh đạo của cấp ủy, công tác quản lý và điều hành của chính quyền, giữa tổ chức Đảng, UBND, các tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở có sự thống nhất cao; tình trạng cấp ủy lấn sân, làm thay việc của chính quyền hoặc buông lỏng lãnh đạo được khắc phục; tổ chức bộ máy gọn, trách nhiệm người đứng đầu được đề cao… Thế nhưng những hạn chế như đã nêu trên không phải là nhỏ nếu không xử lý tốt, hài hòa và khoa học thì công việc được giao đạt hiệu quả thấp, uy tín bị ảnh hưởng là điều khó tránh.
Vấn đề đặt ra ở đây liên quan tới việc lựa chọn, sử dụng cán bộ và trình độ của cán bộ. Cán bộ nắm giữ hai vai phải đủ tiêu chuẩn, đủ năng lực để có thể giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.