Tòa án cấp dưới chưa cần áp dụng “án lệ” khi xét xử
Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 22/08/2010
Theo đó, án lệ (tiền lệ án) là một trong nhiều nội dung mới được bổ sung vào dự thảo luật, với quy định: "Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm nhân dân phải tham khảo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp trên giải quyết các vụ việc tương tự nhằm bảo đảm tính thống nhất và tránh mắc lại sai lầm trong việc áp dụng pháp luật". Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự luật là UB Tư pháp của QH không đồng tình với quy định này. Theo bà Lê Thị Thu Ba - Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH, quy định của dự thảo luật về án lệ "còn đơn giản và không đúng với nguyên tắc của án lệ". Vì một bản án được coi là án lệ phải được thông qua trình tự, thủ tục công nhận và do cơ quan có thẩm quyền công nhận theo luật định chứ không phải bất kỳ bản án nào của tòa án cấp trên cũng nên buộc tòa án cấp dưới phải tham khảo khi tiến hành xét xử. Dự thảo luật cũng chưa làm rõ, trường hợp nào được áp dụng án lệ, mối quan hệ giữa án lệ và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành… Với các lý do trên, UB Tư pháp của QH cho rằng, tại thời điểm hiện nay chưa nên áp dụng án lệ trong công tác xét xử của tòa án. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận cơ quan này "mới bắt đầu nghiên cứu về án lệ" nên "thống nhất là rút ra khỏi dự luật".
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Khiếu nại. Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo nên có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đông người, bởi trên thực tế phát sinh nhiều khiếu nại đông người có cùng một nội dung, đòi hỏi Nhà nước xem xét, giải quyết để ổn định tình hình chính trị - xã hội. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ - cơ quan soạn thảo luật này không đồng tình. Lý do được đưa ra là, quy định vấn đề này trong luật sẽ mặc nhiên thừa nhận việc khiếu nại đông người, tạo điều kiện cho các phần tử xấu lôi kéo, xúi giục, kích động khiếu kiện đông người thành những cuộc biểu tình hợp pháp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hơn nữa, đối với các khiếu nại đông người hiện nay, thậm chí cả khiếu nại đông người có cùng một nội dung khiếu nại thì quyền và lợi ích hợp pháp của từng người khiếu nại cũng không thể đồng nhất. Người có thẩm quyền giải quyết vẫn phải có những văn bản hành chính cá biệt để giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể. Thế nên, nếu có khiếu nại đông người thì vẫn xử lý theo phương án hiện nay, đó là hướng dẫn mỗi người khiếu nại làm đơn riêng để xử lý trong từng trường hợp.