Xét tuyển ĐH, CĐ năm 2010: Đìu hiu trường dân lập
Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:09, 21/08/2010
Nguy cơ " đói" sinh viên
Khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn đại học dành cho khối A và D: 13 điểm, khối B và C: 14 điểm, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đề thi tuyển sinh đại học năm nay dễ, mức điểm sàn như trên là quá thấp; nhưng thực tế thì số lượng thí sinh đạt điểm sàn rất thấp so với nhu cầu cần tuyển của các trường, nhất là các trường dân lập. Hiện các trường ĐH dân lập như Hồng Bàng, Văn Hiến, Hùng Vương, Văn Lang… chỉ tiêu tuyển sinh mỗi trường chỉ khoảng hơn 1.000 sinh viên cho năm học 2010-2011, nhưng đang đau đầu vì không biết lấy đâu ra thí sinh cho đủ chỉ tiêu. Kỳ tuyển sinh năm nay, trường ĐH Văn Hiến được Bộ giao chỉ tiêu tuyển 1.400 sinh viên (hệ ĐH: 1.100 sinh viên, hệ CĐ: 300). Tuy nhiên, số lượng hồ sơ nộp xét tuyển nguyện vọng 1 của trường khoảng 1.000 bộ; trong số này chỉ có 5% thí sinh có số điểm đạt chuẩn xét tuyển. Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, ở nguyện vọng 1 Trường ĐH Văn Hiến đã "vơ vét" hết tất cả cũng chỉ được 80 thí sinh đủ điểm sàn để vào hệ ĐH và hơn 200 thí sinh vào hệ CĐ! Nhưng đây cũng chỉ là con số ảo, bởi thực tế thì số lượng thí sinh nhập học ở hệ ĐH chỉ khoảng 60%, còn hệ CĐ từ 30% đến 40%. Như vậy, sau khi xét tuyển nguyện vọng 1, chỉ tiêu của trường ở hệ ĐH gần như còn nguyên vẹn.
Cũng theo ông Hợp, điểm thi năm nay không cao, điểm chuẩn của các trường thi tuyển tương đối thấp, thậm chí có trường lấy điểm chuẩn bằng với điểm sàn. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho các trường không tuyển sinh, trường thuộc "cấp dưới" tuyển nguyện vọng 2 và 3. Bà Nguyễn Thị Mai Bình - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Hùng Vương) tỏ ra lo lắng: Hiện số thí sinh đủ điểm sàn xét tuyển vào nguyện vọng 1 ở hệ ĐH của trường chỉ khoảng 10% chỉ tiêu, nhưng đó mới chỉ là con số xét tuyển, thực tế số thí sinh đến nhập học còn thấp hơn nhiều. Do vậy để bảo đảm chỉ tiêu xét tuyển 1.660 sinh viên (ĐH: 1.500 sinh viên và CĐ: 160), trường chỉ trông chờ vào nguyện vọng 2 và 3. Nếu như các năm trước, Bộ GD-ĐT khi công bố điểm sàn xét tuyển đều đưa ra số lượng thí sinh đạt điểm sàn ở các khối, thì năm nay Bộ lại không công bố số lượng này, nên các trường khó đưa ra nhận định về việc có khả năng tuyển đủ chỉ tiêu từ nguyện vọng 2 và 3 hay không.
Sẵn sàng đóng cửa một số ngành
Mặc dù đến ngày 25-8, các trường mới bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 và ngày 30-9 mới nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng trước tình hình không mấy sáng sủa, nhiều trường không tổ chức thi tuyển đã lên phương án tạm thời đóng cửa các ngành được xem là không hấp dẫn đối với sinh viên trong những năm gần đây. Trước mắt, các trường chọn phương án nâng chỉ tiêu tuyển sinh ở những ngành thu hút nhiều thí sinh đăng ký. Theo bà Nguyễn Thị Mai Bình, từ nhiều mùa tuyển sinh qua, các ngành được xem là "hot" của trường là: Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Du lịch… Thông thường các ngành này có số thí sinh đăng ký xét tuyển cao gấp đôi so với chỉ tiêu. Do đó, những ngành thu hút đông thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay sẽ được trường nâng chỉ tiêu để bảo đảm đủ chỉ tiêu chung, chấp nhận đóng cửa những ngành khác. Đối với những thí sinh đăng ký vào các ngành có ít thí sinh đăng ký sẽ được thông báo chuyển qua những ngành khác để học. "Nhiều khả năng trong đợt tuyển sinh này, trường sẽ phải đóng cửa một số ngành như Công nghệ sau thu hoạch, Xây dựng, tiếng Nhật, tiếng Anh… Bởi đây là những ngành có rất ít sinh viên theo học, chỉ tiêu năm nào cũng cao hơn nhiều lần so với số sinh viên thực tế. Trong trường hợp xấu nhất không đủ số lượng sinh viên như chỉ tiêu, thì trường chấp nhận có bao nhiêu dạy bấy nhiêu!" - bà Bình cho biết.
Chấp nhận đóng cửa một số ngành, hoặc chấp nhận không đủ số lượng chỉ tiêu là một thiệt thòi lớn, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống giáo viên của các trường dân lập, nhưng không một trường nào có chủ trương "xé rào" hạ điểm sàn để đủ số lượng.