Minh chứng cho một cách làm giáo dục

Giáo dục - Ngày đăng : 07:03, 21/08/2010

(HNM) - Vào những ngày tháng vô cùng ý nghĩa với Thủ đô này, ngôi trường mang tên vị vua đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long 1000 năm trước cũng vừa tròn 5 tuổi.

Đó là một thời gian ngắn so với tuổi đời một ngôi trường, nhưng trong bối cảnh hệ thống các trường tiểu học công lập của thành phố ngày càng đáp ứng nhu cầu học tốt hơn của học sinh, nhu cầu học trường dân lập ở bậc học này gần như bão hòa, thì 5 năm cũng là dài đủ để đánh giá sức sống của một cơ sở giáo dục ngoài công lập. Không những thế, sự thành công của Tiểu học Lý Thái Tổ còn cho thấy mô hình doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở hạ tầng xã hội cùng với xây dựng khu đô thị mới là hướng đi hiệu quả cho cả xã hội lẫn đơn vị kinh doanh.

Một giờ học tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ.  Ảnh: Linh Tâm

Từ "trường ra trường" đến "thầy ra thầy"

Dễ dàng nhận thấy điều này khi đến Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, nhưng ở đây, trường ra trường, lớp ra lớp ở mức độ hiện đại. Trên diện tích gần 7 nghìn mét vuông nằm ở vị trí đẹp của một khu đô thị lớn, hai dãy nhà học gồm 26 phòng học, các phòng chức năng, khu giáo dục thể chất đã được Tổng Công ty Vinaconex đầu tư kinh phí xây dựng và hoàn thiện với chất lượng tốt. Song điều đáng nói là, cũng với thời gian sử dụng, cơ sở vật chất ấy không những không xuống cấp mà còn được đắp bồi bằng tình yêu với ngôi trường của tập thể cán bộ, giáo viên; của phụ huynh và học sinh để trở nên hiện đại hơn, khang trang hơn. Các lớp học đã được lắp điều hòa, lát sàn gỗ; có hệ thống nghe nhìn hoàn chỉnh, có thư viện mini để giúp cô, trò học tập và giải trí; có bàn ghế, tủ sách quy chuẩn để học sinh ngồi học thoải mái, cất giữ sách vở để không phải mang vác cặp sách đi về mỗi sáng, chiều. Các phòng học chức năng như phòng học tin học, phòng học mỹ thuật, phòng hát nhạc... có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho giờ học các môn chuyên biệt. Nhà thể chất rộng 400m2 cũng được lắp điều hòa, sàn gỗ, có cột chơi bóng rổ, có lưới chơi cầu lông. Một sân bóng mini ngay bên cạnh khu thể chất cũng là nơi diễn ra các hoạt động thể thao phù hợp với tuổi tiểu học. Sân trường, hành lang lớp học, cầu thang, bồn cây cảnh... lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp, an toàn.

Cơ ngơi khang trang là sức hút ban đầu song nó chưa đủ để làm nên một cái tên, bởi khi cha mẹ gửi con đến trường, điều họ mong muốn nhất là con mình thích học và học tốt. Không phải ngôi trường nào cũng đạt được cả 2 điều đó, bởi dạy cho học sinh tiểu học học tốt không phải là quá khó nhưng không dễ làm cho chúng thấy thích đến trường để học. Nhưng ở Tiểu học Lý Thái Tổ, các thầy, cô giáo đã làm được điều ấy. Lý giải về thành công này, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Diệp cho biết, trường lựa chọn được đội ngũ giáo viên trẻ, có trình độ từ đại học trở lên, thành thạo trong việc sử dụng trang thiết bị hiện đại và có khả năng ngoại ngữ. 50% giáo viên ở đây có khả năng trợ giảng cho giảng viên nước ngoài trong các giờ dạy. Nhưng quan trọng hơn là các cô có nhận thức đúng về mô hình trường và có lòng yêu nghề, yêu trẻ. Tận tâm và tận tình là hai phẩm chất cần nhất đối với cán bộ, giáo viên của trường để có thể sử dụng có hiệu quả nhất cơ sở vật chất, phối hợp với cha mẹ học sinh nhằm mục tiêu cao nhất là chất lượng giáo dục.

Để có "trò ra trò"

Trường, lớp, thầy tốt phải mang đến hiệu quả cuối cùng là trò ra trò. Chính chất lượng thể hiện trên mỗi học sinh sẽ làm nên uy tín của một nhà trường. Chất lượng ấy là 100% lớp đạt danh hiệu "Vở sạch - chữ đẹp", 50 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi viết chữ đẹp cấp quận, thành phố. Chất lượng ấy là tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến hằng năm tăng dần và trên nền đại trà vững chắc có nhiều học sinh đoạt giải trong các cuộc thi như giải ba hội thi tin học trẻ cấp quận, giải nhì trong giao lưu học sinh giỏi lớp 5 cấp quận, 1 giải nhất, 2 giải ba Olympic tiếng Anh cấp thành phố... Chất lượng ấy là hàng chục tấm huy chương giành được trong các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao các cấp.

Không chỉ quan tâm tới trí dục, trường còn đặc biệt quan tâm tới giáo dục đức dục bằng nhiều hình thức phù hợp với lứa tuổi. Học sinh Lý Thái Tổ được tham gia nhiều câu lạc bộ để từ đó các em biết yêu cái đẹp, biết ứng xử với thầy cô, bè bạn, người thân thế nào cho chuẩn mực, biết xử lý những tình huống thường gặp trong cuộc sống, biết cách chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn... Với những kỹ năng sống ấy, các em tự tin hơn, vững vàng hơn trong việc học cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Thêm nữa, đến trường các em được chăm bẵm từ bữa ăn đến giấc ngủ, sức khỏe "để có sức mà học và chơi" như Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Diệp nói. Những kết quả này lý giải vì sao số lượng học sinh tăng vọt, từ 300 học sinh năm đầu lên 910 học sinh sau 5 năm và trở thành "điểm nóng" về tuyển sinh.

"Giai đoạn đầu đặt nền móng làm nên một cái tên đã khép lại. Tiểu học Lý Thái Tổ khoác lên mình một trọng trách lớn hơn nữa về mục tiêu trong sự nghiệp chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, không chỉ là việc giữ vững kết quả đã đạt được mà còn phải nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục sao cho xứng đáng với tên gọi của vua Lý Thái Tổ, với Thủ đô ngàn năm văn hiến", có thể thấy rõ quyết tâm của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường qua lời bộc bạch ấy của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Diệp để tin rằng ngôi trường này sẽ mãi là địa chỉ giáo dục đầy tin cậy.

Vân Vũ