Cơ quan công quyền không giải quyết tranh chấp tiêu dùng

Chính trị - Ngày đăng : 06:04, 21/08/2010

(HNM) - Sáng 20-8, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chính thức họp phiên thứ 33. Trong ngày làm việc đầu tiên, các ủy viên đã cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

So với bản dự thảo đã trình tại kỳ họp QH thứ 7, một nội dung mới được tiếp thu, bổ sung vào dự thảo luật lần này liên quan đến các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, không phải đăng ký kinh doanh. Theo đó, UBND cấp xã, ban quản lý các chợ, khu thương mại có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết nhóm đối tượng này theo các điều kiện cụ thể trên địa bàn của mình. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị giữ lại quy định "một trong những phương thức giải quyết tranh chấp là thông qua cơ quan công quyền" không được UBTVQH tán thành. Theo tính toán của Ban soạn thảo, phòng công thương các quận, huyện sẽ là nơi trực tiếp tiếp nhận xử lý các tranh chấp. Nhưng, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng: "Phòng công thương các quận, huyện không có khả năng xử lý việc này. Bộ Công thương không thể có tham vọng bảo vệ người yếu thế từ con cá, lá rau bằng cách nhúng tay giải quyết các tranh chấp nhỏ lẻ mà cần phối hợp với các cơ quan chức năng can thiệp mạnh mẽ để lập lại trật tự trong quản lý hàng hóa".

Trưởng ban Dân nguyện của QH Trần Thế Vượng cũng cho rằng, "bản chất quan hệ giữa người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh là quan hệ dân sự, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Đây hoàn toàn là quan hệ mang tính dân sự, thường được giải quyết thông qua tố tụng dân sự, không phải việc của chính quyền, không nên đưa biện pháp hành chính vào".

Hà Phong