Khúc quanh của giá dầu

Thế giới - Ngày đăng : 05:44, 21/08/2010

(HNM) - Hàng loạt những thông tin kinh tế bất lợi đã nới rộng đà giảm sâu của thị trường dầu mỏ. Ngưỡng kỹ thuật 75 USD/thùng đã bị phá vỡ khi các hợp đồng dầu giao tháng 9 trên sàn New York được ấn định ở mức 74,43 USD/thùng, giảm 99 cent, tương đương 1,3%.

Gần rơi xuống mức đáy của 6 tuần qua, giá dầu thô đang ngập chìm trong khúc quanh khó khăn, bị bao trùm bởi những dấu hiệu cho thấy bước hồi phục của nền kinh tế thế giới dè dặt hơn kỳ vọng.

Sàn giao dịch hàng hóa New York chìm trong không khí buồn tẻ.

Giá dầu trượt mạnh sau nhiều phiên liên tiếp ghi nhận những con số âm khi báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ xác nhận lượng dự trữ dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tại quốc gia tiêu thụ nhiên liệu số 1 thế giới trong tuần qua tăng thêm 5,34 triệu thùng, lên tới 1,14 tỷ thùng, mức cao nhất trong vòng 20 năm nay. Lượng tồn kho dầu tinh chế, bao gồm dầu nóng và diesel cũng cộng thêm 1,07 triệu thùng, lên 174,2 triệu thùng, chính thức duy trì ở ngưỡng cao nhất kể từ năm 1983 mang đến hung tin đối với giới đầu tư. Những kho dầu dự trữ căng phồng tới mức kỷ lục tại đầu tàu kinh tế thế giới là thông điệp rõ ràng khẳng định nhu cầu dầu mỏ và các sản phẩm liên quan đang xuống thấp đến mức đáng lo ngại. Nó cũng phác họa một thực tế không mấy khả quan là mặt hàng chiến lược này bắt đầu trở nên dư thừa. Việc các nhà đầu tư tạm dừng bước trước khi có thêm niềm tin đối với đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ và thế giới là một tác nhân đưa các sàn giao dịch năng lượng chìm trong không khí buồn tẻ những ngày qua.

Trong bối cảnh đó, thông báo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, tuần qua đã có thêm 12.000 đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên, nâng tổng số người nhận trợ cấp lên 500.000 người, con số cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái tại xứ Cờ hoa đã gần như xóa bỏ sức hấp dẫn của dầu thô. Nguy cơ thị trường việc làm không được cải thiện để nâng đỡ nền kinh tế và Ngân hàng dự trữ Liên bang New York công bố đơn đặt hàng và doanh thu sản xuất tháng 8 lần đầu tiên trượt giảm trong vòng hơn một năm tiếp tục tạo ra những rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường nhiên liệu. Tâm lý bất an vốn bị chi phối nặng nề bởi những số liệu khiêm tốn từ kinh tế Mỹ càng lung lay mạnh với tuyên bố tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, trong quý II chỉ đạt 0,4%, thấp hơn một cách đáng kinh ngạc so với 4,4% của quý I và dự đoán 2,3% của các nhà phân tích.

Nỗi lo cho sức khỏe của những trụ cột kinh tế thế giới cũng đã chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng điểm của chứng khoán châu Á, đưa cổ phiếu châu Âu vào xu hướng giảm trong khi lấy đi của Phố Wall tới 1% giá trị, xuống mức thấp nhất trong một tháng qua. Dư âm của những số liệu buồn đã đưa giá vàng đen đồng hành cùng thị trường cổ phiếu toàn cầu do những ám ảnh từ các thông số tăng trưởng ảm đạm. Ngọn lửa do dự được thổi bùng trong khi sự hứng khởi của các nhà đầu tư ngày càng nguội lạnh.

Trong lúc vàng thế giới lên mức đỉnh của 7 tuần, thị trường chứng khoán không thoát khỏi sự bủa vây của sắc đỏ, giá dầu thô lao dốc với hàng loạt các báo cáo kéo tụt triển vọng kinh tế thế giới, các chuyên gia phân tích hàng đầu bắt đầu trở lại câu hỏi cũ: liệu nguy cơ "suy thoái kép" có diễn ra hay không? Khi các cuộc tranh cãi chưa mang lại một sự khẳng định nào, tăng trưởng âm tại Nhật Bản và sự phục hồi đôi lúc trong giai đoạn "tạm dừng" của Mỹ là thực tế khiến chúng ta không thể loại trừ sự bùng phát lần nữa của cơn bệnh tái khủng hoảng. Lời nhận xét từ cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan cho rằng, một sự chững lại trong quá trình hồi phục cũng chẳng khác là bao so với suy thoái là lời cảnh báo về những thách thức mà nền kinh tế Mỹ và toàn cầu phải đối mặt trong quãng đường khó khăn sắp tới. Những yếu tố tổng hợp đó đã đẩy thị trường năng lượng dấn sâu hơn vào "khe cửa hẹp". Tâm lý phòng ngừa rủi ro đang lan tràn khắp các sàn giao dịch làm các hợp đồng dầu ngày càng thưa thớt được xem là nguyên nhân khiến bước điều chỉnh giảm của giá dầu khó có khả năng đột biến. Nhiều chuyên gia kinh tế đang nghiêng về khả năng thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục đi xuống nếu như các số liệu cơ bản không vẽ nên một bức tranh tươi sáng hơn của kinh tế thế giới.

Vân Khanh