Rạng danh trí tuệ Việt
Giáo dục - Ngày đăng : 09:20, 20/08/2010
Giải thưởng này được ví như giải "Nobel" toán học, thậm chí còn khó hơn do 4 năm mới trao một lần và chỉ dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi. Như vậy, sau Nhật Bản, Việt Nam là quốc gia thứ 2 ở châu Á có nhà khoa học đoạt giải này.
Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields từ Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil. Ảnh: TTXVN |
Đường đến Giải Fields
Sinh năm 1972 tại Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu sớm bộc lộ tài năng toán học từ nhỏ. Trong một lần trò chuyện cùng phóng viên Hànộimới, thân mẫu của GS Ngô Bảo Châu, PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền cho biết: Bốn tuổi, Châu đã biết đọc báo và làm những phép tính đơn giản. Người đầu tiên phát hiện ra anh có năng khiếu học toán chính là người quen của gia đình, thầy Phạm Ngọc Hùng. Thầy Hùng khuyên Ngô Bảo Châu thi vào chuyên toán. Khi học lớp 7, Ngô Bảo Châu trở thành học sinh lớp chuyên toán Trường Trưng Vương. Từ đây, định mệnh đã gắn bó anh với toán học.
Mọi người bắt đầu biết đến Ngô Bảo Châu có lẽ từ kỳ thi học sinh giỏi toàn TP Hà Nội năm 1987. Khi đó, trước câu hỏi "Chứng minh có lúc nào 3 kim đồng hồ trùng nhau tại một điểm", Ngô Bảo Châu có câu trả lời khác hẳn. Kiểu như người khác bảo đúng, mình bảo sai và ngược lại. Nhưng anh xuất sắc đạt 19,75 điểm, mang về giải nhất duy nhất của toàn thành phố và vào lớp chuyên toán của ĐH Tổng hợp. Trong hai năm 1988 và 1989 (học lớp 11 và 12), Ngô Bảo Châu liên tiếp giành 2 Huy chương Vàng Olimpic Toán quốc tế ở Australia, Đức (là học sinh Việt Nam đầu tiên đạt được thành tích này). Năm 1990, Ngô Bảo Châu được Chính phủ Pháp cấp học bổng theo học ĐH Paris 6. Tiếp đó, năm 1992 anh thi vào hệ đào tạo TS của trường ĐH danh tiếng nhất nước Pháp là ĐH Sư phạm Paris với vị trí thủ khoa. Năm 1997, Ngô Bảo Châu bảo vệ luận án TS về "Bổ đề cơ bản của Jacquet", sau đo anh bảo vệ habilitation (tương đương TSKH) ở tuổi 31. Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được Hội đồng Chức danh GS Nhà nước xét đặc cách công nhận là GS toán học và anh là người trẻ nhất được trao học hàm này.
Để được vinh danh với Giải Fields hôm nay, GS Ngô Bảo Châu đã có nhiều lúc ưu tư với những vấn đề trong và ngoài khoa học. PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền cho biết, GS Ngô Bảo Châu có lúc phân vân nên tiếp tục theo đuổi nghiên cứu toán nữa hay không khi mà cơ hội kiếm tiền từ ngành tin học đang ở thời kỳ cực thịnh. Nhưng trong một lần tâm sự với mẹ, Ngô Bảo Châu cho rằng, toán học là định mệnh của đời anh. Nhờ quyết tâm này, giới toán học quốc tế biết đến Ngô Bảo Châu với tư cách là tác giả của công trình nghiên cứu "Bổ đề cơ bản", góp phần quyết định đến việc giải được bài toán do Robert Langlands (người Canada) đặt ra từ năm 1979. Bài toán này có tên "Chương trình Langlands" với rào cản duy nhất là chứng minh được bổ đề cơ bản, mà nếu giải được thì gần như có được cách nhìn thống nhất về số học, giải tích và đại số.
Năm 2004, cùng với người thầy GS Gerard Laumon, GS Ngô Bảo Châu đã chứng minh "Bổ đề cơ bản đối với các nhóm unita" và nhờ công trình đó, hai tác giả đã được tặng giải thưởng danh giá của Viện Toán học Clay (Mỹ) dành cho những thành tựu kiệt xuất nhất. Vài năm gần đây, GS Ngô Bảo Châu đã đưa ra một chứng minh thiên tài cho "Bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát" chứng minh được lý thuyết mang tính cách mạng của nhà toán học người Mỹ Robert Langlands đưa ra năm 1979 về việc kết nối 2 nhánh của toán học là lý thuyết số học và lý thuyết nhóm. Chứng minh đó đã được cộng đồng toán học thế giới kiểm chứng là chính xác. Thành tựu này khiến Ngô Bảo Châu nhận được nhiều lời mời về nghiên cứu, giảng dạy tại nhiều trường ĐH danh tiếng nhất thế giới và công trình nghiên cứu của nhà khoa học Việt Nam trẻ tuổi được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học nổi bật thế giới năm 2009 do tạp chí danh tiếng Time (Mỹ) bình chọn.
GS Ngô Bảo Châu (hàng đầu, thứ 3 từ trái sáng) cùng các nhà toán học trẻ, sinh viên yêu thích toán học tại Viện Toán học Việt Nam tháng 7-2010. |
Hết lòng phụng sự quê hương
Ai có dịp tiếp xúc với Ngô Bảo Châu, vị GS của Viện Toán học Việt Nam và tân GS của ĐH Chicago (Hoa Kỳ) đều thấy anh là người bình dị và khiêm tốn. Giải Fields với Ngô Bảo Châu (và nhiều người biết về anh) không phải là sự bất ngờ. Ngô Bảo Châu từng chia sẻ: "Tôi suy nghĩ khá đơn giản về các giải thưởng nói chung. Nếu người ta trao cho tôi, tôi sẽ đón nhận nó như một vinh dự lớn. Nếu không, tôi cũng cho rằng mình không nên buồn quá. Đặt niềm tin vào những cái này là chuyện không nên".
GS-TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho biết: Tuy sống và làm việc tại nước ngoài, nhưng nhiều năm nay, GS Ngô Bảo Châu đã dành nhiều công sức vận động Bộ GD-ĐT, Bộ KHCN cấp kinh phí tổ chức các khóa học để chuẩn bị kiến thức cho sinh viên toán có năng khiếu đi làm tiến sĩ ở các trung tâm toán học hàng đầu thế giới. Hằng năm, Ngô Bảo Châu vẫn dành một thời gian nhất định về nước giảng dạy. Mùa hè 2010 vừa qua cũng không phải là ngoại lệ.
Ít người biết rằng, trở về Việt Nam giảng dạy, GS Ngô Bảo Châu được trả mỗi tháng 5 triệu đồng mà theo nhiều người, là "đã trả kịch khung, muốn trả nhiều hơn mà không có cách nào". Ngô Bảo Châu không băn khoăn về điều đó, vì trong anh, đất Việt vẫn là quê hương, là bệ phóng để anh đến với thế giới toán học đầy đam mê nhưng cũng rất gian khổ. Nhiều năm sống ở nước ngoài, nhưng đến nay Ngô Bảo Châu vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. GS Ngô Bảo Châu muốn dành toàn bộ tiền thưởng từ Giải Fields, trị giá khoảng 10.000 USD, để trao học bổng cho những sinh viên ngành toán. Đặc biệt, trong chuyến thăm gia đình anh tại Hà Nội của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, GS Ngô Bảo Châu hứa đóng góp nhiều hơn vào việc hỗ trợ đào tạo các nhà toán học trẻ Việt Nam, là hoạt động của Viện Nghiên cứu cấp cao về toán sẽ được thành lập trong thời gian tới.
Trong những ngày cả Thủ đô hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tin vui nối tiếp tin vui, từ việc Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến việc GS Ngô Bảo Châu - một người con trưởng thành từ những mái trường Thủ đô - được vinh danh trí tuệ toàn cầu. Thủ đô Hà Nội tự hào về những di sản văn hóa của cha ông và cũng tự hào ngày nay có những công dân làm rạng danh trí tuệ Việt.