Công Vinh giá 20 tỷ - Bất thường và bình thường

Xã hội - Ngày đăng : 08:51, 20/08/2010

Khi Công Vinh đang chìm dần vào quên lãng, bất ngờ lại có thông tin “Vinh sẽ được trả 20 tỷ đồng nếu đồng ý tới Navibank.SG”. Một điều bất thường nhưng được coi là bình thường ở bóng đá Việt Nam.

Công Vinh (giữa) đã không đóng góp được nhiều cho Hà Nội T&T mùa giải vừa qua.


Quảng cáo miễn phí, tại sao không?
Chiều qua (18-8), NTNN trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hội - Giám đốc Điều hành CLB Hà Nội T&T, và được biết: "Làm gì có chuyện đó. Đấy là tin thất thiệt, chí ít là đến thời điểm này". Chưa biết xuất phát điểm của nguồn tin đó từ đâu ra, nhưng rõ ràng, những người trong cuộc không ai thiệt thòi gì từ cú "chém gió" đó, thậm chí họ còn có dịp cười tươi.

Với Hà Nội T&T, họ đã chứng minh được mình sống khoẻ, có thể vô địch V.League mà không cần tới Công Vinh, và trong trường hợp có một nhà giàu nào đó ngỏ ý thì chả có lý do gì không mở lòng. Trong khi đó, Navibank.SG càng sẵn sàng nhận "món quà" quảng cáo miễn phí, lại được tiếng chịu chơi.

Đang trong quá trình tập hồi phục sau phẫu thuật ở tận Bồ Đào Nha xa xôi, hẳn Vinh "còm" cũng mừng ra mặt khi tên mình lại xuất hiện trên báo chí sau một thời gian khá dài bị chìm vào quên lãng.

Và nếu coi việc được dư luận nhắc tới như một món ăn tinh thần không thể thiếu của các ngôi sao, thì cái tin ấy còn động viên, khích lệ Vinh rất nhiều trong hành trình tìm lại chính mình.

Năm nay Vinh chưa đầy 25 tuổi, trên lý thuyết, mấy năm tới đây anh mới bước vào độ chín của sự nghiệp. Thêm vào đó, hình ảnh của Vinh vẫn rất có giá để mọi doanh nghiệp có thể dựa vào đó, đầu tư đánh bóng thương hiệu.

Vậy thì, cái giá 20 tỷ đồng dành cho Vinh bỗng trở nên bình thường, nếu biết rằng các cầu thủ gắn mác U23 quốc gia, ĐTQG bằng cách này hay cách khác đang được định giá cỡ 5-10 tỷ đồng trên thị trường chuyển nhượng.

Đầu năm nay, Quốc Vượng từng được "hét giá" 5 tỷ đồng khi về đội hạng nhì XT.Hà Tĩnh. Còn Văn Quyến cũng từng được định giá 8 tỷ đồng, rồi sau đó chính lãnh đạo SLNA phủ nhận tin đó đấy thôi...

Phải sửa lỗi hệ thống
Khi giá cầu thủ càng leo thang trên thị trường chuyển nhượng thì giới “quần đùi áo số” càng mừng. Có cơ hội ký hợp đồng bạc tỷ thì cứ ký, thời gian kéo dài bao lâu không mang nhiều ý nghĩa. Cứ khi nào thấy chán, không còn cảm hứng chơi bóng ở CLB cũ thì cứ việc làm mình làm mẩy là sẵn sàng có đội bóng mới tới giải phóng hợp đồng, trải thảm đỏ mời đi. Vừa được "đổi gió", vừa có thêm tiền tỷ lót tay, còn gì bằng.

Rõ ràng, đã đến lúc những người làm BĐVN cần phải ngồi lại để điều chỉnh lỗi hệ thống. Đã có nhiều CLB, gần nhất là B.Bình Dương than thở việc quân lên tuyển hư, trở về địa phương mắc "bệnh sao" khó bảo. Nhưng tại sao không đặt ngược lại vấn đề để thấy chính các CLB đã và đang làm hư cầu thủ.

Trong quá khứ, chính những cú "phá giá" của B.Bình Dương đã mở đầu, đưa tới thị trường chuyển nhượng sôi sục, loạn cào cào. Giờ đến lượt XM.Hải Phòng, V.Ninh Bình, và sắp tới là Navibank.SG dốc hầu bao vô tội vạ, tạo điều kiện cho các "ông sao" có đất diễn.

Không thái quá khi cho rằng, chính mỗi CLB Việt Nam đang phải chịu hậu quả từ "hạt mầm" mà họ đã gieo. BĐVN đang đứng trước thị trường chuyển nhượng đầy bất thường. Và còn bất thường hơn nếu tất cả đã nhận ra vấn đề nhưng không ai chịu sửa, chấp nhận cuốn theo thời cuộc.

Giá trị trung thành = 0

Sự thật là giá trị trung thành trong làng BĐVN đang bị coi nhẹ, tiếp cận gần tới con số 0. CLB không cần cầu thủ trung thành, miễn đạt mục đích làm thương hiệu, thu lợi nhuận. Bản thân cầu thủ càng không việc gì phải trung thành, cứ CLB nào lót tay nhiều tiền là đi: "Trong tương lai, khi lòng trung thành cùng những giá trị đạo đức giảm sút thì nó sẽ mang tới hậu quả ghê gớm lắm. Tôi thấy lo cho BĐVN nếu không có những sự điều chỉnh cần thiết" - ông Nguyễn Văn Vinh, nguyên Giám đốc kỹ thuật HAGL nói.

Theo TT&VH