Mười phần, mất bảy… liệu còn ba?

Đời sống - Ngày đăng : 07:31, 20/08/2010

(HNM) -

Đó là nỗi lòng của một người dân làng Hào Nam cũ (nay thuộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa). Quả thật, tận mắt chứng kiến những đổi thay của hồ Hào Nam trong ít năm gần đây mới thấu hiểu tâm trạng xót xa, tiếc nuối của những người từng nhiều năm gắn bó với hồ.

Lộ trình biến hồ thành ao
Hồ Hào Nam nằm ở ngã ba phố Hào Nam - Vũ Thạnh. Từ giữa năm 2006, cũng từ thông tin qua điện thoại của một người dân phố Vũ Thạnh gọi đến ĐDN, chúng tôi đã về tìm hiểu tình trạng đổ phế thải lấn hồ Hào Nam. Thời điểm đó, một phần ba lòng đường phố Vũ Thạnh, đoạn tiếp giáp với hồ bị ngập trong gạch ngói vỡ, đất đá. Những người chở xe thồ, ô tô tải loại nhỏ lợi dụng tình trạng ngổn ngang của công trường thi công đường Hào Nam đã trút xuống hồ hàng ngàn mét khối phế thải. Đầu năm 2009, khi tuyến đường Hào Nam đã hoàn thiện, tình trạng đổ trộm phế thải vẫn tiếp tục. Người dân khu vực liên tục phản ánh đến chính quyền địa phương và các cơ quan ngôn luận tình trạng bức xúc này.

Không hiểu đã có những biện pháp nào được thực thi nhưng đến hôm nay, bờ hồ cạnh phố Vũ Thạnh và Hào Nam vốn tràn ngập phế thải xây dựng đã trở thành bãi đỗ xe, dịch vụ sửa chữa ô tô, điểm bán vật liệu xây dựng. Và mới nhất, gây bức xúc nhất là một quán bia đang dựng khung sắt lấn hồ, chiếm đến 1/3 lòng đường phố Hào Nam làm nơi bán hàng. Đối diện bên kia bờ hồ, ngay cạnh đình làng Hào Nam sát mép hồ là 4 ngôi nhà cao tầng đã xây xong phần thô, đang dần hoàn thiện... Nhiều người cho rằng, diện tích đất của các công trình xây dựng này có nguồn gốc từ đất lấn hồ. Còn bờ hồ phía đường vào tổ 81 phường Ô Chợ Dừa, những đống phế thải cao đến mái nhà đang trên đà tiến ra giữa hồ. Như vậy hồ Hào Nam đang bị tấn công từ bốn phía để biến thành ao làng.

Chính quyền địa phương làm gì để chống lấn chiếm? 
Chiều 18-8-2010, trao đổi với phóng viên Báo Hanộimới, ông Trần Trí Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa thừa nhận, tình trạng đổ phế thải lấn hồ đã diễn ra từ lâu, phường đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng không mấy hiệu quả. Đầu năm 2009, sau khi thống nhất với Đảng ủy, HĐND, UBND phường đã giao cho CA phường rào khu vực bờ hồ giáp phố Vũ Thạnh, lập đội tự quản cắm chốt chống đổ đất. Nhưng vì kinh phí phường không có trả cho lực lượng đó nên đã nhất trí để anh em tận dụng bãi đất ven hồ làm bãi trông giữ ô tô. Còn bãi trông giữ ô tô phía phố Hào Nam là của HTX Thành Công, đã có giấy phép của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng quá diện tích cho phép, từ tháng 5-2010, trên diện tích này đã mọc lên một quán bia trái phép, dựng khung sắt, kê bàn ghế lấn chiếm lòng đường. Sau khi họp tham vấn các cơ quan chuyên môn, UBND phường đã ra quyết định cưỡng chế vi phạm này (dự kiến thực hiện vào hồi 8h30 ngày 20-8-2010).

Về các công trình cao tầng đang xây dựng sát mép hồ Hào Nam, ông Quách Văn Hải - Thanh tra Xây dựng phường Ô Chợ Dừa khẳng định, có 4 ngôi nhà đang xây dựng không phép trên đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp, được HTX nông nghiệp Hào Nam chia cho xã viên từ năm 1991. Ngay sau khi phát hiện, chính quyền phường đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu đình chỉ thi công. Nhưng đến ngày 18-8-2010, các công trình này vẫn đang gấp rút hoàn thiện.

Liên quan đến dự án cải tạo hồ Hào Nam, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2007, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi 9.700m2 đất giao cho BQL Dự án Thoát nước - Sở Xây dựng nạo vét, thi công hạ tầng kỹ thuật để giữ vệ sinh môi trường và cảnh quan khu vực. Công trình được khởi công vào tháng 3-2009 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2010 nhưng đến nay vẫn chưa GPMB xong. Lý giải cho sự chậm trễ này, ông Trần Trí Anh cho biết, việc GPMB liên quan đến 61 hộ xã viên HTX Nông nghiệp Hào Nam, các hộ vẫn đang sử dụng đất hồ để canh tác rau muống. Trong quá trình xác định nguồn gốc đất gặp một số vướng mắc do hồ sơ HTX cung cấp chưa đầy đủ, phải bổ sung nhiều lần. Đến nay, UBND phường đã tiến hành xong việc này và có văn bản đề nghị chủ đầu tư công khai phương án đền bù theo quy định. Ông Trần Trí Anh cũng khẳng định, bãi đỗ xe và các công trình xây dựng trái phép này không lấn vào diện tích hồ đã được quy hoạch theo quyết định của thành phố vì việc cắm mốc giới đã được xác định trên thực địa.

Như vậy, đang có quá nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai xung quanh hồ Hào Nam cần được giải quyết, trong đó có ý kiến của người dân về bãi đỗ xe lập không có giấy phép, hoạt động trên nguyên tắc nào? Các công trình xây dựng không phép xử lý ra sao? Việc ngăn chặn phế thải tiếp tục tràn xuống lòng hồ phía đường vào tổ 81 thế nào? Bên cạnh đó, theo ông Đinh Kỷ, Bí thư Chi bộ cụm 4A, phải khẩn trương triển khai  dự án cải tạo hồ mới mong giữ được hồ Hào Nam thoát khỏi bị tiếp tục lấn chiếm.

Văn Ngọc Thủy