Colombia trong thế cờ khó
Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 20/08/2010
Binh lính Colombia bảo vệ tại căn cứ hải quân ở Cartagena - một trong bảy căn cứ quân sự Mỹ thuê của Colombia. |
Tháng 10-2009, Colombia ký thỏa thuận cho Washington được thuê tới 7 căn cứ quân sự tại Colombia, gồm ba căn cứ không quân Barranquilla, Palanquero và Apiay; hai căn cứ lục quân là Tolemaida và Larandia; hai căn cứ hải quân là Cartagena và Thái Bình Dương. Đổi lại, Mỹ sẽ hỗ trợ quốc gia Nam Mỹ chống buôn lậu ma túy và khủng bố. Colombia không có quyền giám sát hoạt động của Mỹ tại những căn cứ cho thuê, cũng như không được phép xét xử quân nhân Mỹ trong trường hợp họ phạm pháp. Ngay từ đầu, Washington đã khẳng định thỏa thuận quân sự song phương này không nhằm vào nước thứ ba, số lượng quân nhân và các nhà thầu dân sự Mỹ tại các căn cứ trên không vượt quá 1.400 người như thỏa thuận cho phép và chỉ nhằm hỗ trợ các chiến dịch chống tội phạm ma túy, các nhóm vũ trang bất hợp pháp và khủng bố tại nước sở tại.
Nhiều nước Mỹ Latin đã kịch liệt phản đối thỏa thuận trên vì cho rằng nó có thể gây phương hại tới an ninh toàn bộ khu vực Nam Mỹ. Có chung đường biên giới với Colombia nên Venezuela, Ecuador, Brazil, Peru và Panama tỏ ra lo lắng nhất khi cho rằng Washington đang dùng chiêu chống buôn lậu ma túy để gia tăng hoạt động quân sự trong khu vực. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cảnh báo rằng, sẽ có một "cơn lốc chiến tranh" khắp châu lục và nước này đã mua các trang thiết bị quân sự của Nga trị giá lên tới 4 tỷ USD để phòng thủ. Còn Tổng thống Brazil và Tổng thống Chile cùng nhận định hành động này của Mỹ có thể gây căng thẳng và tạo ra xung đột mới ở Mỹ Latin...
Tại Colombia, thỏa thuận quân sự này cũng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng khi cho rằng căn cứ của Mỹ ở Palanquero có đường băng dài tới 3,5km là thiết kế dành cho máy bay vận tải lớn, trong khi không cần thiết các hoạt động đến như vậy ở Colombia. Thực chất, đây là căn cứ để Mỹ tiến hành các hoạt động kiểm soát không gian rộng lớn. Những người phản đối tại Colombia cho biết, từ năm 2000 tới nay, thông qua "Kế hoạch Colombia", Mỹ đã viện trợ 6 tỷ USD cho Colombia để chống buôn lậu ma túy, nhưng vấn nạn này không hề suy giảm. Hiện Colombia vẫn là "nhà sản xuất" cocain lớn nhất thế giới và Mỹ là thị trường tiêu thụ số một chất gây nghiện này. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, mục đích tăng cường sức mạnh quân sự Mỹ tại Colombia dường như chỉ nhằm đặt các mỏ dầu của Venezuela, Ecuardo, Bolivia và vùng Amazon giàu tài nguyên trong tầm ngắm của Mỹ. Sự kiện Washington chốt chặn 7 căn cứ quân sự ở Colombia đã phát đi tín hiệu về một cuộc chạy đua vũ trang mới khiến các nước có biên giới chung với Colombia lo ngại.
Vì vậy, tháng 3-2010, Tòa án Hiến pháp Colombia đã quyết định xem xét lại thỏa thuận thuê căn cứ quân sự được Bogota và Washington ký tháng 10 năm ngoái, sau khi một nhóm luật sư đệ đơn kiện thỏa thuận này vi hiến. Song chính quyền của cựu Tổng thống Uribe lúc đó cho rằng thỏa thuận này không có gì mới, chỉ đơn thuần là gia hạn thỏa thuận quân sự đã ký với Washington hồi năm 1974, do đó, nó không cần phải được Quốc hội thông qua trước khi ký.
Theo thông tin mới nhất (ngày 18-8), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley cho biết, Mỹ đang tham vấn chính phủ của tân Tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos, về kế hoạch mà Bogota sẽ thực hiện đối với phán quyết của Tòa án Hiến pháp Colombia. Quan chức này nhấn mạnh, Mỹ hy vọng chính quyền mới tại Colombia sẽ có những bước đi thích hợp để bảo đảm hai nước có thể duy trì quan hệ song phương.
Một thỏa thuận vi hiến đang gây trở ngại cho tân Tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos, vì từ ngày tuyên thệ nhậm chức (7-8-2010), mối quan hệ giữa Colombia và các nước láng giềng đã có nhiều dấu hiệu được cải thiện. Tuy nhiên, Colombia không thể làm "mất lòng" nhà tài trợ Mỹ. Đây sẽ là nước cờ khó cho chính quyền mới của Tổng thống J. M. Santos khi phải hành động để sao cho "trong ấm, ngoài êm".