Thiếu người dạy toán giỏi bậc đại học là nguy cơ lớn nhất

Giáo dục - Ngày đăng : 06:34, 20/08/2010

(HNM) - Việc GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields là niềm tự hào đối với các nền toán học nói riêng và giới khoa học Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành khoa học khác, toán học đang đứng trước thực trạng thiếu đội ngũ kế cận và một chiến lược phát triển dài hạn.


Vinh quang khó lặp lại!


- Thưa GS, việc GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields có chứng tỏ được rằng nền toán học Việt Nam đã sánh ngang các nước tiên tiến?

- Giải thưởng thực chất không nói lên thành công của một ngành mà có ý nghĩa rằng con người Việt Nam có thể vươn tới những đỉnh cao nhất của khoa học. Đó là ý nghĩa về mặt khoa học. Nhưng ý nghĩa lớn nhất là giải thưởng đã đem lại vinh quang cho đất nước mà có lẽ chưa bao giờ và khó có cơ hội lặp lại.

- Trong khoa học, người ta thường hay nói đến trường phái, vậy toán học Việt Nam có trường phái nào được thế giới công nhận không?

- Việt Nam chưa thể đạt tới trình độ hình thành các trường phái riêng. Nhưng có một số vấn đề mình hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, xứng tầm quốc tế. Chẳng hạn như nhóm của GS Hoàng Tụy, nhóm "Kỳ dị" do GS Lê Dũng Tráng và Fedric Phạm gây dựng có thời rất mạnh. Ngoài ra, nhóm đại số của Viện Toán học hiện nay cũng rất có uy tín.

- Vậy mỗi năm, Viện Toán học tham gia khoảng bao nhiêu đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở?

- Năm 2010, Viện Toán tham gia nghiên cứu khoảng 25 đề tài. Tính trung bình, mỗi đề tài có kinh phí khoảng 40 triệu đồng, chưa đủ để hỗ trợ học thuật và tham gia nghiên cứu chứ nói gì đến hỗ trợ lương cho cán bộ nghiên cứu. Rất mừng là từ năm 2010 trở đi, với sự ra đời của Quỹ KHCN quốc gia, kinh phí cho mỗi đề tài có thể lên tới 300 triệu đồng. Điểm tích cực của quỹ là kinh phí được chi cho nhân công lao động, cho những người tham dự đề tài. Ngoài ra, việc xét duyệt và nghiệm thu cũng có bước tiến là khi nghiệm thu phải có công bố quốc tế, trong những tạp chí được liệt vào tạp chí tốt của quốc tế. Vì chế độ đãi ngộ bao giờ cũng phải đi đôi với kết quả nghiên cứu.

Hụt hẫng lứa tuổi 30-40 giỏi toán học

- Việc tuyển sinh viên vào ngành toán ngày càng khó hơn trước. Theo GS, điều này có ảnh hưởng đến tính kế thừa trong đội ngũ những người nghiên cứu toán học?

- Sự thực là Việt Nam đang hụt hẫng hẳn thế hệ 30-40 tuổi giỏi về toán học. Con số đó có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ bằng 1/3-1/4 so với thế hệ 50-60 tuổi chúng tôi. Sự hụt hẫng đó rất lớn và không thể thay thế được. Nhưng về mặt nào đó cũng có thể thông cảm vì họ nhìn vào chế độ đãi ngộ hiện còn rất thấp cho những người theo đuổi khoa học cơ bản, đặc biệt là ngành toán - ngành không thể kiếm ra tiền ngoài nghiên cứu. Trong khi bạn bè với khả năng tương đương đi làm ngành khác có thể dễ dàng kiếm ra tiền. Họ không thấy tương lai nên họ không theo đuổi nghiên cứu về toán.

- Nhưng thiếu hụt người trẻ tham gia nghiên cứu toán đã là nỗi lo lớn nhất?

- Nền toán học phát triển là quá trình lâu dài và khi bỏ rơi giữa chừng không thể phục hồi được. Tôi dẫn chứng thêm thế này, nước Đức trước Đại chiến thế giới thứ II là cường quốc hàng đầu về toán học. Tất cả những kết quả có tên tuổi thời kỳ đó đều mang tên các nhà toán học Đức. Nhưng sau năm 1945, vì nhiều lý do, toán học Đức không bao giờ đạt được vị trí cũ. Điều đó cho thấy, có tiền cũng không thể đạt được. Việt Nam ta hiện nay, để chọn 3-4 người làm toán giỏi đã khó, tập hợp được vài người theo đuổi một lĩnh vực càng khó hơn gấp bội. Nhưng nguy cơ thiếu hụt nhân lực về toán không quan trọng bằng nguy cơ không có những người có trình độ đảm nhận việc giảng dạy toán tại các trường ĐH.

- Vì sao vậy, thưa GS?

- Vì làm gì có người giỏi toán để giảng dạy. Điều này có thể thấy ngay qua điểm chuẩn vào ngành toán và các ngành khoa học cơ bản khác thường thấp hơn nhiều các ngành kinh tế, kỹ thuật ứng dụng, dù toán rất cần cho các ngành khoa học khác. Hiện nay, những người làm toán chúng tôi chỉ cố gắng giúp những người trẻ tuổi theo nghề bằng việc cam kết cho họ đi nước ngoài đào tạo. Bằng cách đó có thể giúp họ có điều kiện mở rộng kiến thức và về nước làm việc.

- Gần đây, có nhiều ý kiến về việc thành lập Viện Toán cao cấp để giúp chấn hưng nền toán học nước nhà, vậy mô hình này và mô hình của Viện Toán học hiện nay sẽ có sự khác biệt gì?

- Sẽ rất khác nhau. Viện Toán học là đơn vị sự nghiệp có nhiệm vụ cụ thể, do Nhà nước hoặc Viện KHCN Việt Nam chỉ đạo và phải tuân thủ quy định chung nên rất khó linh hoạt trong đào tạo, hợp tác quốc tế. Ngoài ra, nhiệm vụ chính của Viện là nghiên cứu mà vẫn phải tuân thủ quy định chung trong nghiên cứu khoa học.

Viện Toán cao cấp lại khác, vì mục tiêu đặt ra giống như tháp ngà cho những người làm toán giỏi đến đó làm việc mà không cần quan tâm đến chuyện "cơm áo". Đó là nơi một vài nhà toán học hàng đầu đến đó làm công tác điều phối và những người nghiên cứu toán ở các địa phương, các trường đến làm việc, tiếp xúc với những nhà toán học đến từ nhiều nước trên thế giới. Đó cũng là nơi để mình mời những nhà toán học hàng đầu thế giới như GS Ngô Bảo Châu về làm việc. Đó cũng là nơi có chế độ học bổng tương đối ưu đãi cho những người trẻ nghiên cứu về toán. Ngoài ra, Viện đó cũng mở ra tia sáng cho thế hệ trẻ thấy rằng họ vẫn có thể theo đuổi con đường khoa học, được Nhà nước quan tâm. Nếu làm tốt, mô hình này sẽ giúp ích cho những môn khoa học cơ bản khác.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Thế Dũng