Tháng Tám trên quê hương cách mạng
Chính trị - Ngày đăng : 07:24, 19/08/2010
Vang mãi bài ca cách mạng
Những ngõ nhỏ lát bê tông phẳng lỳ, nếp nhà cổ xen lẫn những ngôi nhà kiểu cách hiện đại nhưng vẫn tạo cho Đông Xuân sự hài hòa, đẹp mắt. Toàn xã, hay nói rộng hơn là cả vùng đất này, mỗi hiện vật, mỗi thớ đất đều lưu giữ dấu ấn vẻ vang của truyền thống anh dũng, kiên cường...
Trước Cách mạng Tháng Tám, Đông Xuân được giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu, bảo đảm cho các đồng chí cán bộ trung ương, Xứ ủy, Ban cán sự tỉnh về làm việc và chỉ đạo phong trào cách mạng. 6 hộ dân ở thôn Xuân Kỳ đã nhận nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ lãnh đạo của trung ương mà không ngại khó khăn, nguy hiểm. Đó là các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Toàn Thư, Lê Quang Đạo, Hoàng Xuân Quán, Lê Liêm, Nguyễn Thị Oanh... Cũng chính tại nhà ông Nguyễn Văn Hưu, thôn Xuân Kỳ, ngày 25-1-1942, số báo đầu tiên của báo "Cứu quốc" - cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh do đồng chí Trường Chinh trực tiếp viết bài và chỉ đạo nội dung đã bí mật ra đời. Nơi đây cũng đã hình thành chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phú (trước đây) với 3 đảng viên.
65 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, những chiến sĩ cách mạng năm xưa ở Đông Xuân nay người còn, người mất. 6 gia đình trực tiếp nuôi giấu cán bộ giờ còn duy nhất bà Lê Thị Múi. Người nữ du kích, đảng viên trẻ này nay đã 85 tuổi và là lão thành cách mạng duy nhất trong xã còn sống. Tuổi cao nhưng trí nhớ vẫn minh mẫn, bà đã kể lại khá rành rọt những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Tham gia cách mạng từ khi 17 tuổi, đã từng bị địch bắt tra tấn dã man nhưng ý chí của người đảng viên đã chiến thắng mọi đòn roi của kẻ thù. Cách mạng thành công, bà Múi lại tham gia công tác phụ nữ xã. Đến nay đã lên chức cụ, noi gương bà, các con cháu đều trưởng thành, trong số 18 đứa cháu có 11 cháu đỗ đại học... Với ông Nguyễn Ngọc Đĩnh nhắc đến những ngày thu Cách mạng Tháng Tám thường làm ông bồi hồi cảm động. Gia đình ông cũng nuôi giấu cán bộ cách mạng trong những năm gian khó, nay bố mẹ ông đã đi theo tổ tiên nhưng những câu chuyện mà ngày còn sống mẹ ông vẫn kể cho nghe mãi là kỷ niệm đầy ý nghĩa để ông truyền lại cho con cháu trong gia đình. Không riêng gì nhà ông Đĩnh, bà Múi, cơ sở cách mạng Xuân Kỳ năm nào mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của truyền thống yêu nước, yêu quê hương, truyền thống cách mạng của người dân Đông Xuân... Nơi đây đã có nhiều gia đình góp của cải giúp bộ đội mua lương thực, thuốc men, súng đạn, có những gia đình đã hy sinh đến người cuối cùng cho sự bình yên hôm nay. Mảnh đất cách mạng Đông Xuân đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.
Đất đang chuyển mình
Ngày về Đông Xuân, trong sắc cờ hoa tưng bừng chào mừng kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám, chúng tôi được chứng kiến những sắc màu tươi vui của đời sống dân sinh. 80% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư kiên cố. Từ chi bộ đầu tiên năm 1942, Đông Xuân đã có 441 đảng viên đang sinh hoạt ở 18 chi bộ. Trí tuệ của các đảng viên, các CCB cùng mọi tầng lớp nhân dân đã mở ra con đường mới cho Đông Xuân vượt khó, vượt nghèo xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của cha anh, đồng chí, với truyền thống oanh liệt của trang sử quê nhà.
"Đầu tư cho Đông Xuân là sự đền ơn đáp nghĩa với nhân dân bởi vùng đất này đã góp rất nhiều xương máu, công sức cho 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc", Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Lê Văn Được nói rằng: "Đông Xuân là một trong những xã còn khó khăn của huyện Sóc Sơn, nông nghiệp vẫn chiếm 80% cơ cấu kinh tế, hướng phát triển kinh tế của xã chỉ có thể mở rộng phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại". Xã đang phấn đấu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp lên 30%, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 70% và tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao; đưa sản xuất nông nghiệp thành sản xuất lớn, sản xuất cây hàng hóa như mở rộng diện tích trồng hoa nhài, lúa giống mới, rau an toàn có giá trị kinh tế cao và có thương hiệu; tập trung phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại. Tạo điều kiện về môi trường để thu hút các nhà đầu tư vào địa phương nhằm tạo công ăn việc làm cho nhân dân, đồng thời phát triển mạnh các dịch vụ bán buôn, bán lẻ. Đông Xuân phấn đấu đến năm 2015 trở thành xã công nghiệp vừa và nhỏ... Tuy nhiên, không phải như vậy là Đông Xuân đã hết khó khăn, lãnh đạo và nhân dân địa phương nơi đây mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền trong việc đưa các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nhân cấy nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
Trên quê hương cách mạng thuở nào đang vọng vang những âm thanh mới. Dưới chân nhà truyền thống của xã, dòng sông Cà Lồ vẫn hiền hòa chảy. Người Đông Xuân hiểu rằng họ đang thừa hưởng những tài sản vô giá từ lịch sử và cha ông để lại. Họ cũng ý thức được trách nhiệm cùng chung tay, góp sức bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử trong cuộc sống hôm nay. Chưa thể vượt qua khó khăn trong một sớm một chiều nhưng một tương lai tốt đẹp đang hứa hẹn và đón chờ mảnh đất ấy, con người ấy ở phía trước...