Mới cả hình thức và nội dung

Giáo dục - Ngày đăng : 07:04, 19/08/2010

(HNM) - Năm học 2010-2011 đã bắt đầu, cũng là khi cuộc vận động xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh (HS) tích cực" đi được gần nửa chặng đường (2008-2012.

Theo đánh giá của người khởi xướng - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thì từ những việc làm đơn giản, phù hợp lứa tuổi trong nhà trường và trong thực tiễn xã hội, sau hai năm triển khai, phong trào đã tạo nên một diện mạo mới trong các trường học, góp phần gắn bó thầy - trò trong học tập, rèn luyện, trau dồi cho HS những kỹ năng sống và ý thức tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Những điều ấy đã được thể hiện rõ nét tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện phong trào diễn ra trong các ngày 18, 19-8 tại Hà Tĩnh.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chăm sóc vườn cây của nhà trường.

Mới từ bộ mặt nhà trường

Tính đến ngày 25-7, có 38.141 trường trên tổng số 39.712 trường trên cả nước đăng ký tham gia phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực" (chiếm 95%), trong đó có 47 tỉnh, thành phố có 100% số trường mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tham gia. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất ở các nhà trường khi tham gia phong trào là cảnh quan, môi trường được cải thiện rõ rệt; khuôn viên trường học được xây dựng mới xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn trước. Nếu như năm học 2008-2009, HS các trường trồng được hơn 2,2 triệu cây xanh, thì tới cuối năm học 2009-2010, con số này đã tăng lên gấp gần 9 lần.

Mỗi trường học có môi trường xanh, sạch, đẹp không thể thiếu công trình vệ sinh sạch sẽ là một trong những nội dung mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các nhà trường triển khai ngay từ năm đầu tiên. Lần đầu tiên, vấn đề nhà vệ sinh trong trường học được đưa vào nhiệm vụ năm học với những yêu cầu, lộ trình cụ thể (mỗi trường học phải có nhà vệ sinh và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, có người dọn dẹp thường xuyên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, giáo viên, HS). Điều ấy không phải là không có căn cứ, khi trung bình cả nước mới chỉ có chưa đầy 70% số trường có công trình vệ sinh. Sau hai năm triển khai, tỷ lệ này là 96%, trong đó có gần 84% số công trình đạt tiêu chuẩn. Rõ ràng, với những yêu cầu rất cụ thể, phong trào đã giúp các nhà trường không chỉ chăm chút cho vẻ bề ngoài, mà còn quan tâm tích cực tới những thứ từng bị coi là "phụ" ấy.

… đến những chuyển biến trong ý thức

Tại hội nghị tổng kết năm học 2009-2010 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Hiếm thấy có phong trào nào thu hút sự chung tay của nhiều ngành đến thế (GD-ĐT, văn hóa - thể thao và du lịch, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội khuyến học). Bằng kế hoạch, mục tiêu cụ thể nên phong trào đã có sức lan tỏa rộng rãi. Thông qua chương trình phối hợp, mỗi ngành, đoàn thể dựa trên thế mạnh của mình đã đóng góp tích cực vào phong trào, tạo và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, xã hội chăm lo không chỉ cho việc học, mà còn rèn cho các em biết sống có trách nhiệm.

Phong trào đã chọn yêu cầu "3 đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) làm nội dung đột phá. Sau Tết Nguyên đán Canh Dần, lần đầu tiên sau thời điểm HS thường bỏ học nhiều nhất, gần hai chục địa phương báo cáo không còn HS bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở. Tính đến hết năm học 2009-2010, số bỏ học trên cả nước còn 75.691 em (chiếm 0,51%), giảm hơn 10.000 HS so với năm học trước. Một số vùng có tỷ lệ HS bỏ học giảm đáng kể như Đồng bằng sông Hồng từ 8.871 HS (0,28%) còn 5.555 HS (0,19%); Bắc Trung bộ giảm từ 8.247 HS (0,4%) còn 5.690 HS (0,29%)…

Kết quả này có sự góp sức của HS, giáo viên, cán bộ, nhân viên toàn ngành trong việc hưởng ứng cuộc vận động giúp đỡ HS, giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Các nhà trường đã quyên góp được hơn 64 tỷ đồng tiền mặt, 3,8 triệu quyển sách, gần 185.000 bộ đồ dùng học tập, hơn 600.000 chiếc quần áo… Nhiều nơi đã có sáng kiến trong công tác xã hội hóa việc vận động HS đi học và khích lệ việc học tập, điển hình như Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tặng 71.000 bộ SGK mới trị giá 7,5 tỷ đồng cho con thương binh, liệt sĩ, ủng hộ 50 triệu đồng tiền đi đò cho HS nghèo ở Cà Mau…).

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, sự phối hợp của các ngành và đoàn thể trong việc triển khai phong trào đã tạo được một cơ chế xã hội bền vững để chung tay giải quyết những nhiệm vụ của ngành, trong đó có phát huy tính tích cực của HS trong việc giúp sức, sẻ chia với bạn nghèo. Nói như người khởi xướng phong trào, trong mọi hoạt động của ngành nói chung, trong việc triển khai xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực" nói riêng, ngành GD-ĐT không bao giờ đơn độc, mà ngược lại, luôn nhận được sự chung tay của các lực lượng xã hội. Sự nghiệp giáo dục đã thực sự là sự nghiệp của toàn dân, xã hội, thể hiện trách nhiệm thực sự trong việc chăm lo cho giáo dục.

Với những hiệu quả rõ rệt và thiết thực, trong năm học mới 2010-2011, việc đẩy mạnh phong trào "Nhà trường thân thiện, HS tích cực" tiếp tục được coi là một trong những giải pháp quan trọng, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các nhà trường.

Thống Nhất