100 ngày quang đãng
Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 19/08/2010
Kết quả cuộc thăm dò dư luận do báo Người bảo vệ (Anh) vừa công bố cho thấy, Chính phủ đã lấy lại được niềm tin của người dân khi nhanh chóng triển khai các kế hoạch cắt giảm chi tiêu, cũng như các chính sách chiến lược để cải cách khu vực y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội và an ninh. Tỷ lệ tín nhiệm dành cho Thủ tướng David Cameron cũng tăng, với 57% cử tri cho rằng ông làm tốt công việc, 52% tin tưởng Thủ tướng đã có "quyết định đúng đắn trong các vấn đề khó khăn". Như vậy, ông David Cameron đang được hưởng "kỳ trăng mật chính trị".
Thủ tướng Anh D.Cameron còn nhiều điều phải làm trong nhiệm kỳ 5 năm. |
Điều này trái với dự đoán trước đó của nhiều người khi chính phủ liên hiệp đầu tiên của Anh kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II được thành lập. Đây là một bước ngoặt lớn ít được trông đợi trong cuộc Tổng tuyển cử hồi tháng 5 vừa qua - khi lãnh đạo Công đảng Gordon Brown giành được số phiếu cao nhất nhưng không đủ quá bán để tự thành lập chính phủ. Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh hai đảng có những quan điểm khác biệt khá lớn về một loạt chủ trương chính sách, để hoàn thành được vai trò của người thuyền trưởng trong suốt nhiệm kỳ 5 năm, Thủ tướng D. Cameron phải cực kỳ vất vả mới có thể duy trì một chính phủ ổn định, đồng tâm hợp lực.
Tuy nhiên, thực tế không quá khó khăn với người đứng đầu Chính phủ Anh như nhiều người dự đoán. Lãnh đạo đảng Bảo thủ và Dân chủ Tự do đã cho thấy những nỗ lực hợp tác và khả năng vận hành bộ máy nội các tuyệt vời "vì lợi ích chung của đất nước". Liên minh cầm quyền không hề lãng phí thời gian để đưa ra những quyết sách quyết đoán đối với những vấn đề cấp bách của xứ sở Sương mù, đặc biệt là số nợ công vượt quá 900 tỷ bảng và mức thâm hụt ngân sách lên tới mức kỷ lục - 12% tổng sản phẩm quốc nội - cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II và cũng cao nhất trong số các thành viên Liên minh châu Âu (EU). Dự kiến, những quyết sách này sẽ mang lại những kết quả khích lệ đầu tiên trong tháng 10 tới. Thông tin này đã nhận được phản ứng tích cực từ các tổ chức công đoàn Anh - vốn đã lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình để phản đối chính sách thắt chặt chi tiêu của chính phủ.
Như vậy không hẳn chặng đường sắp tới của Thủ tướng D. Cameron sẽ trải toàn hoa hồng. Vì suy cho cùng, 100 ngày là khoảng thời gian quá ngắn trong nhiệm kỳ 5 năm, trong khi những thách thức cũ của nước Anh vẫn chưa được giải quyết và những khó khăn mới có thể ập đến bất cứ lúc nào. Trên con đường chứng minh sự kết thúc của truyến thống lưỡng đảng thay nhau cầm quyền (đảng Bảo thủ hoặc Công đảng) kéo dài tại Anh suốt 70 năm qua không phải là điều cần nuối tiếc, trở ngại lớn nhất của Thủ tướng D. Cameron và liên minh cầm quyền hiện nay vẫn là hệ lụy từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc "thắt lưng buộc bụng" kéo dài không chỉ động chạm đến cơm áo gạo tiền của người dân, cản trở phục hồi tăng trưởng mà còn tác động không nhỏ tới đối ngoại của Anh. Vì để duy trì một ảnh hưởng có tầm trên thế giới, đồng nghĩa với việc Anh phải liên tục chi tiêu ở mức khó có thể kham nổi trong bối cảnh hiện nay.
Sau 100 ngày khá quang đãng, thách thức trước liên minh cầm quyền hiện nay tại quốc đảo mù sương là làm thế nào cân bằng chính sách đối ngoại và đối nội để vừa duy trì được vị thế trên thế giới vừa không làm mất lòng cử tri đang dõi theo các ông nghị xứ này sau hàng loạt vụ bê bối tài chính dưới thời người tiền nhiệm G.Brown.