Sách văn học thiếu nhi thừa mà thiếu
Văn hóa - Ngày đăng : 10:07, 17/08/2010
Khi lựa chọn cho mình một cuốn sách, đa số các em thiếu nhi thường lướt nhanh qua những tác phẩm văn học hay truyện tranh của Việt Nam rồi tập trung vào sách nước ngoài, nhất là truyện tranh Nhật Bản.
Phần lớn trẻ em bị “hút” bởi truyện tranh nước ngoài.
Hiếm sách mới, hay
Có một thực trạng, trong khi truyện thiếu nhi trong nước ít ỏi hình thức kém hấp dẫn, thì truyện tranh nước ngoài lại tràn ngập với đủ thể loại, màu sắc.
Số lượng tác phẩm văn học thiếu nhi trong nước mới xuất bản cũng không nhiều. Nhà xuất bản (NXB) Trẻ dựa vào các cuộc vận động sáng tác là chính, còn NXB Kim Đồng chủ yếu tái bản các tác phẩm văn học thiếu nhi của những nhà văn có tên tuổi. Theo thống kê của NXB Kim Đồng, sách văn học thiếu nhi trong nước xuất bản mỗi năm chiếm khoảng 20% số lượng sách văn học thiếu nhi nói chung. Công ty Truyền thông Nhã Nam cũng cho biết tỷ lệ này đang chiếm 20 - 25% tổng số đầu sách của họ.
Theo ông Vũ Xuân Vinh, Giám đốc NXB Giáo Dục Hà Nội, các NXB hiện nay chú trọng quá nhiều đến lợi ích kinh tế. “Họ chỉ quan tâm làm sao sách in ra bán được nhiều, thỏa mãn tính hiếu kì của các tôi mà không quan tâm đến tính giáo dục”, ông nói.
Chính vì vậy, nói sách dành cho thiếu nhi ở nước ta hiện nay “thừa mà thiếu” quả không sai. Thừa bởi sự xuất hiện tràn lan của truyện tranh nước ngoài, trong đó có không ít cuốn mang tính bạo lực, kích động. Song lại thiếu các tác phẩm hay, mang tính giáo dục và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đào tạo nhà văn trẻ
Ông Thế Chuật, Phó giám đốc NXB Trẻ, nhận xét, các cây bút mới chuyên viết cho thiếu nhi ngày càng trở nên hiếm hoi. Đội ngũ nhà văn viết mảng này vẫn chỉ tập trung ở các tác giả lâu năm như Tô Hoài, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương… hay các cây bút đã nổi tiếng như Nguyễn Nhật Ánh, Phan Hồn Nhiên, Bùi Chí Vinh…
Viết cho thiếu nhi không đơn giản bởi tâm hồn trẻ thơ rất trong sáng, nên phải viết làm sao để các tôi thấy nhân vật gần gũi với suy nghĩ, cảm xúc và cuộc sống của mình. Nếu người sáng tác không nắm bắt được nhu cầu tâm lý thiếu nhi, từ đó áp đặt quá nhiều bài học, cộng với lối viết không mới, kém hấp dẫn sẽ khiến các em thấy nhàm chán.
Ông Thế Chuật cho biết, để góp phần đưa văn học thiếu nhi trong nước phát triển, NXB Trẻ luôn ý thức tìm những tác giả có tâm huyết viết cho thiếu nhi nhằm đưa tác phẩm hay đến với các em. Bên cạnh đó, NXB cũng đang xây dựng một đội ngũ các cây viết trẻ biết phát huy tối đa trí tưởng tượng, am hiểu đời sống, tâm tư, tình cảm của các tôi. Lời văn cũng phải nhẹ nhàng, gần gũi với cách suy nghĩ của độc giả nhí.
Do tác động của xã hội hiện đại, tâm lý trẻ ngày nay ít nhiều đã thay đổi và nhu cầu đọc cũng không giống với trước đây nữa. Các nhà văn, nhà thơ vì thế cần tìm tòi cách viết cho phù hợp với thế hệ mới, nhưng không làm mất đi tính nhân văn truyền thống, bản sắc văn hóa cũng như những giá trị văn chương đích thực.
Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cũng cần quan tâm khơi dậy văn hóa đọc để các em say mê những trang sách hơn những trò chơi trên máy tính, yêu thích truyện chữ hơn truyện tranh. Những điều đó góp phần định hướng nhân cách và phát triển tâm hồn, trí tuệ cho trẻ. Nhà nước cũng cần cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nhà văn viết cho thiếu nhi bằng những giải thưởng có uy tín, giá trị, chứ không chỉ dừng ở những cuộc vận động sáng tác của một số nhà xuất bản.