Vấn đề “nóng”: khống chế nhập siêu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:49, 16/08/2010
Đóng gói sản phẩm áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh: Nguyệt Ánh
Kim ngạch xuất khẩu (XK) trên địa bàn Hà Nội 7 tháng đầu năm đạt 4,225 tỷ USD, tăng 16% so cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng tương đối lạc quan bởi kinh tế Việt Nam và thế giới chưa thật sự thoát khỏi "bóng ma" khủng hoảng. Chúng ta đang phải đối mặt nhiều thách thức và những bất ổn của thời hậu khủng hoảng. Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) XK, giá một số nguyên liệu "đầu vào" tăng, mặt bằng giá hàng hóa thế giới tăng khiến sản phẩm làm ra bị đội giá. Điều này gây không ít khó khăn cho DN trong duy trì XK với giá hợp lý, trong khi vẫn phải cạnh tranh với nhiều nước khác. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động phổ thông ở các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, cơ kim khí... đã đẩy một số DN vào tình trạng bị động trước việc tiếp nhận đơn hàng hoặc gia tăng XK chưa kể đến việc tiếp cận vốn bị hạn chế, lãi suất cho vay của ngân hàng mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao…
Những khó khăn trên nếu không được giải quyết kịp thời chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến XK trong các tháng cuối năm. Không những thế, các DN của nước ta vẫn phải đối diện với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá như việc EU tiếp tục đẩy mạnh các rào cản kỹ thuật: thực hiện Luật Hóa chất, quy định IUU về giấy phép đánh bắt với sản phẩm hải sản, Luật Nghề rừng, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm hàng nông sản, thủy sản... Những lý do trên khiến kim ngạch XK trên địa bàn Hà Nội sang thị trường EU giảm 3,6% trong nửa đầu năm nay. Các thị trường trọng điểm khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ chưa lấy lại sức mua cao mặc dù nền kinh tế có nhiều biểu hiện hồi phục. Đáng lưu ý là, dù kim ngạch XK trên địa bàn Hà Nội nói chung chỉ đạt mức khiêm tốn, nhưng khối DN địa phương vẫn đạt mức tăng trưởng cao, với 28,9%, cao hơn so với mức tăng chung là 16%. Các DN địa phương có những kết quả tích cực hơn trong XK so với khối DN trung ương đóng trên địa bàn.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu (NK) trên địa bàn lại lên tới hơn 12,1 tỷ USD, tăng 23% so cùng kỳ và tạo ra mức nhập siêu quá lớn. Cụ thể, khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng 67,4%, tăng 37,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 12,6%; khu vực đầu tư nước ngoài tăng 21,6%. Trong đó, riêng kim ngạch NK của khối DN địa phương đạt gần 4,5 tỷ USD và chỉ tăng 10,9% là mức tăng thấp hơn nhiều so với mức chung trên địa bàn. Điều này cho thấy, kim ngạch NK của khối DN thuộc địa phương quản lý mới chiếm khoảng 40% tổng mức NK trên địa bàn và kết quả NK của các DN thuộc những thành phần còn lại là yếu tố chính làm cho tổng kim ngạch NK trên địa bàn đạt mức cao.
Các chuyên gia nhận định, mức nhập siêu trên địa bàn Hà Nội cao là do NK của khối DN trung ương và khối DN đầu tư nước ngoài. Phần NK của các DN trung ương chủ yếu là máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất và phụ tùng, những mặt hàng không thể không nhập để phục vụ các hợp đồng kinh tế và thực hiện đầu tư phần cứng cho các dự án, nhà máy trước khi vào sản xuất. Tiếp theo là giá trị NK các loại nguyên, vật, nhiên liệu phục vụ sản xuất trong nước đang trên đà phục hồi mạnh. Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại về việc một số loại hàng hóa xa xỉ, tiêu dùng đắt tiền, chưa thật cần thiết, hoặc không trực tiếp tái tạo giá trị mới vẫn được NK liên tục, như ô tô, hàng tiêu dùng cao cấp, rượu, thuốc lá, nội thất nhà ở… và lên tiếng cảnh báo cần có biện pháp quản lý quyết liệt hơn để góp phần giảm thiểu mức nhập siêu. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành từ nay đến cuối năm là kiểm soát, điều hành hiệu quả hoạt động xuất - nhập khẩu một cách hợp lý, khống chế mức nhập siêu không vượt quá giới hạn cho phép để lành mạnh hóa cán cân thương mại…