Hệ lụy từ khủng hoảng

Thế giới - Ngày đăng : 07:16, 16/08/2010

(HNM) - Cảnh báo của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc đang có cơ trở thành hiện thực khi đồng yen bất ngờ tăng giá so với đồng USD trong phiên giao dịch trên thị trường London cuối tuần qua với mức 84,72 yen ăn 1 USD.

Sự kiện đồng USD lùi về gần mức thấp nhất trong 15 năm qua so với đồng yen là điều không quá bất ngờ, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra đánh giá không mấy sáng sủa về nền kinh tế số 1 thế giới. Bức tranh ảm đạm của đầu tàu kinh tế thế giới thời gian qua là một trong những nguyên nhân đẩy giá đồng yen lên cao, khi giới đầu tư liên tiếp bán ra đồng USD và đồng euro để mua vào đồng yen và coi đây là một kênh đầu tư an toàn. Tuy nhiên, mức tăng cao kỷ lục trong vòng 15 năm qua của đồng yen lại có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản, dẫn tới giá các mặt hàng nhập khẩu giảm và thiểu phát kéo dài. Chuyên gia kinh tế Toshihiro Nagahama thuộc Viện Nghiên cứu Cuộc sống Dai-Ichi dự báo, nếu tỷ giá tiếp tục đứng ở mức 85 yen/USD trong khoảng thời gian còn lại của tài khóa 2010 (kết thúc vào ngày 31-3-2011), tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đã được điều chỉnh theo giá của Nhật Bản trong tài khóa này sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm.

Bất chấp những cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế, BOJ vẫn quyết không thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ, với lý do các doanh nghiệp tư nhân đang làm ăn có lãi và tâm lý của người tiêu dùng cũng đang được cải thiện. Trong cuộc họp gần đây nhất, Hội đồng chính sách của BOJ đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 0,1%, được áp dụng từ tháng 12-2008 đến nay, khi cho rằng nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục có dấu hiệu phục hồi ở mức vừa phải. Theo BOJ, kim ngạch xuất khẩu cũng như sản lượng của Nhật Bản đang tăng do nhu cầu về các mặt hàng công nghệ thông tin trên thế giới tăng mạnh. Ngoài ra, mức chi tiêu cá nhân ở Nhật Bản nhìn chung cũng tăng.

Lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang "mất đà" tăng trưởng là một thách thức lớn với nội các của Thủ tướng Naoto Kan. Trong khi đó, Bộ Tài chính nước này vừa cho biết, số nợ chưa giải quyết của chính phủ gồm cả trái phiếu và hối phiếu tài chính tính đến cuối tháng 6 vừa qua đã lên tới mức kỷ lục là 904.080 tỷ yen. Đây là hệ lụy của chính sách phát hành lượng lớn trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách, chống khủng hoảng do nguồn thu từ thuế tại Nhật Bản không ngừng giảm. Đây là lần đầu tiên số nợ chưa giải quyết của nội các Nhật Bản vượt quá mức 900.000 tỷ yen.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã thoát khỏi suy thoái nhưng nền kinh tế Nhật Bản vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã kêu gọi BOJ chuẩn bị các biện pháp nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế phát triển và đối phó với thiểu phát. IMF cho rằng, thách thức lớn với Nhật Bản hiện nay là giảm nợ công thông qua hành động tài chính dứt khoát và bền vững để có một nền kinh tế cân bằng hơn. Lời khuyên của IMF với Nhật Bản còn là tăng dần thuế tiêu dùng và cải cách hệ thống thuế một cách tổng thể.

Song vượt lên tất cả những khó khăn trước mắt, nhiều tổ chức tài chính quốc tế vẫn lạc quan vào Nhật Bản khi dự báo năm 2010 kinh tế nước này tăng trưởng thực chất đạt 1,4% và tăng trưởng danh nghĩa là 0,4% nhờ tăng xuất khẩu sang các nước châu Á, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên trong 3 năm qua, Nhật Bản đạt tăng trưởng dương cả trong thực chất lẫn danh nghĩa.

Đình Hiệp