Sẽ còn gì nữa?
Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 15/08/2010
Cảnh sát cơ động phải can thiệp do những CĐV quá khích trên SVĐ Hàng Đẫy (Hà Nội) trong trận Hòa Phát - Hà Nội gặp Xi măng Hải Phòng. |
Bài cũ
Thời bóng đá bao cấp cũng như bán chuyên nghiệp, mỗi khi khán giả nổi cáu với trọng tài, cầu thủ đội nhà là bao nhiêu "lời không hay, ý không đẹp" không tiện kể ra được trút xuống sân. Không mấy trọng tài tránh được cảnh bị đồng thanh chửi bới sau những cú cắt còi không làm khán giả ưng ý. Muốn tồn tại trong nghề, trọng tài Việt Nam phải giữ được cái đầu lạnh cũng vì lẽ ấy. Với họ, muốn chuyên tâm vào trận đấu, chỉ còn cách giả điếc. Với cầu thủ, HLV cũng không hơn. Đội nhà thi đấu tốt sẽ được khán giả tung hô nhưng đội nhà thi đấu dở, dù là dở thật hay giả, cũng bị một bộ phận khán giả nhiếc mắng không tiếc lời. HLV Lê Thụy Hải đã có lần thổ lộ bên lề đường chạy sân Hàng Đẫy khi đội Thể Công của ông bị khán giả chỉ trích rằng: "Tôi không mấy khi hào hứng hay phẫn uất với những gì cổ động viên dành cho. Đáng ra nếu đội nhà thua, họ phải động viên mới phải. Đằng này họ chỉ biết chỉ trích, chửi bới!". Ngay Hà Nội ACB dù rất muốn được khán giả cổ vũ nhưng gần đây cũng đành phải nói không với những khán giả mang vật cứng vào sân bởi cái được - cái mất (tiền phạt, những lời chửi bới đội khách làm đội chủ nhà mất mặt) từ số cổ động viên này cũng như nhau.
Ngoài những lời chỉ trích, chửi bới, những vật lạ từ giày dép, bật lửa, chai nước, mảnh gạch... cũng từng nhiều lần "bay" xuống trên sân cỏ Việt Nam. Điển hình nhất trong các nạn nhân của trò này là trọng tài Châu Đức Thành trong một lần điều khiển trận đấu trên sân Long An. Hình ảnh ông được đưa khỏi sân với cái đầu bê bết máu đã khiến người ta thật sự rùng mình khi nghĩ đến những trò quậy phá của cổ động viên Việt Nam. Vì trò này mà nhiều BTC sân điếng người chịu phạt. Không kể trò gạch đá đã lan cả ra ngoài sân đấu. Một số đội bóng, trong đó có Sông Lam Nghệ An đã thấm cái cảnh bị cổ động viên chủ nhà lia gạch vào xe ô tô mà chỉ biết né tránh, chịu trận rồi chờ lực lượng công an đến giải cứu. Thời bóng đá bao cấp, chẳng mấy khi xuất hiện chuyện này.
Nhưng đấy mới là một phần của những "trò chơi" mà các cổ động viên tạo nên trên khán đài. Đốt lửa kể cả khi đội nhà thắng hay thua một thời thịnh hành nhưng bây giờ, đốt pháo sáng - một hình thức gọi cấp cứu của người đi biển, đã trở thành cơn ác mộng của một số BTC sân, nhất là những sân đấu có CLB Hải Phòng tham gia. Pháo sáng trên khán đài chẳng báo hiệu phải cấp cứu ai mà chỉ khiến BTC sân biết mình sẽ mất một khoản tiền phạt đáng kể thậm chí cả án "cấm tổ chức thi đấu" (thất thu tiền tỷ như chơi) dù đã hết sức ngăn chặn. Khổ nỗi, cổ động viên đưa pháo sáng vào sân với lắm thủ đoạn tinh vi, từ cài vào tất, trong giày, thậm chí được khán giả nữ nhét vào trong quần trong (cảnh sát nam đành chịu trước chiêu này nên một số BTC mới phải cho cảnh sát nữ soát người cổ động viên). Như vậy, pháo sáng không được đốt trên khán đài cũng là chuyện thường. Còn các BTC sân cứ phải “sống trong sợ hãi”.
Chiêu mới
Trong vô số cách phản đối, xỉ vả trên khán đài giờ đã xuất hiện những chiêu mới, đầy cay nghiệt. Mùa trước, việc các cổ động viên Hà Nội ACB ném thủ chó xuống đường chạy sân Hàng Đẫy trong một trận đấu có Thể Công tham dự (hai chữ đầu của "thủ chó" dễ làm người ta liên tưởng đến Thể Công) đã làm BTC sân, lãnh đội được phen tá hỏa vì trò quậy phá của những người tự nhận là cổ động viên "ruột" của đội bóng này. Mùa này, chỉ trong 2 vòng đấu gần đây, hai tấm băng rôn được căng trên sân Lạch Tray (châm chọc Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Nguyễn Trọng Hỷ) và Ninh Bình đã khiến người ta lo ngại về một xu hướng cổ động phản cảm, dù trước đây việc này đã lác đác xuất hiện. Đặc biệt tấm băng rôn trên sân Ninh Bình mỉa mai đội bóng Thủ đô Hà Nội T&T rằng "$ + còi méo = chức vô địch" làm những người không tâm phục khẩu phục chuyện đội bóng này vô địch mùa này cũng thấy nội dung trên "ác" quá.
Thế nên mới phải trông chờ vào sự nghiêm túc, hết mình của lực lượng an ninh trên các SVĐ. Và trong lúc đó người ta lại tự hỏi, những khán giả quá khích sẽ còn tạo ra những trò gì nữa trên các khán đài Việt Nam?