Nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm

Xã hội - Ngày đăng : 06:58, 15/08/2010

(HNM) - Ông sinh năm Tân Hợi (1491) đời Hồng Đức, họ Nguyễn, húy là Bỉnh Khiêm, tên tự là Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân tiên sinh, biệt hiệu Tuyết Giang phu tử, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

Lễ hội kỷ niệm 423 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.


Lúc bé, Bỉnh Khiêm học ở nhà, lúc lớn nghe tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở Thanh Hóa hay chữ mới vào xin học. Tại đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm được dạy sách Thái ất thần kinh và học được thuật của thầy.

Năm Quảng Thiệu đời Lê Chiêu Tông, có việc biến loạn, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở ẩn, không muốn cầu tiếng tăm với đời. Bấy giờ Trịnh Tuy và Mạc Đăng Dung có ý tranh quyền, đánh nhau luôn mấy năm. Về sau, nhà Mạc chiếm giữ kinh thành, bốn phương đã yên ổn, nhiều người khuyên ông ra làm quan. Năm Đại Chính thứ sáu (1535) nhà Mạc, ông thi đậu Trạng nguyên, lúc 44 tuổi. Vua Mạc cử ông giữ chức Tả thị lang, Đông các đại học sĩ. Ông chỉ làm quan 8 năm. Khi dâng sớ hạch 18 lộng thần, vua Mạc không nghe, ông từ quan về quê dưỡng lão. Ông tuy an trí nhưng vua Mạc vẫn quý trọng, có việc lại sai sứ đến hỏi tận nhà hoặc mời về kinh. Nhà Mạc phong ông là Lại bộ thượng thư, Thái phó Trình quốc công, vì thế người đời mới gọi là Trạng Trình.

Năm Ất Dậu, ông mắc bệnh, Mạc Mậu Hợp sai sứ đến thăm và hỏi chuyện sau này. Ông bảo rằng: "Ngày sau nước có việc, ở xứ Cao Bằng, tuy nhỏ nhưng cũng có thể hưởng phúc được vài đời nữa". Đến khi nhà Mạc thất thế, quan quân chạy lên Cao Bằng, quả nhiên còn được thêm bốn đời. Năm ấy, ông mất, thọ 95 tuổi. Học trò gọi ông là Tuyết Giang phu tử.

Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông thuật số, phàm các việc họa phúc, đều biết trước. Năm Thuận Bình thứ 8 nhà Lê (1556), vua Lê Trung Tông mất, không có con, bấy giờ Trịnh Kiểm đang cầm quyền chính, đem chuyện hỏi Phùng Khắc Khoan. Khắc Khoan không biết trả lời sao, bèn cho người lẻn ra Hải Dương để hỏi Trạng Trình. Ông không nói câu gì, chỉ ngoảnh lại bảo đầy tớ rằng: "Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày tìm giống cũ mà gieo mạ". Nói rồi, sai tiểu quét dọn đốt hương, để ông ra chơi chùa và bảo thêm: "Giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản". Đó là có ý khuyên Trịnh Kiểm tìm lấy dòng dõi nhà Lê mà lập nên và phải giữ đạo làm tôi mới được hưởng phú quý. Sứ về nói với Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm hiểu ý, mới lập vua Anh Tông, quả nhiên nhờ cơ đồ nhà Lê còn mà họ Trịnh cũng đời đời được vinh hiển.

Bấy giờ, Nguyễn Hoàng có hiềm với Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm có ý muốn ám hại. Nguyễn Hoàng lo sợ, nghĩ cách tránh nạn, mới sai người ra hỏi Trạng Trình. Lúc ấy, ông đang chống gậy chơi trong vườn cảnh. Trong vườn có mấy mươi ngọn núi non bộ, lại chồng chất đá làm một ngọn núi ngang. Trên núi cây cối rườm rà, có đàn kiến đang bò trên tảng đá, ông nhìn xem đàn kiến rồi tủm tỉm cười mà rằng: "Một dải Hoành Sơn kia, có thể yên thân được muôn đời".

Người kia về nhà nói với Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng biết ý, xin vào trấn thủ Thuận Quảng, quả nhiên mỗi ngày một thịnh, mở ra cơ nghiệp triều Nguyễn (lược trích Nam hải dị nhân của Phan Kế Bính).

Học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm rất nhiều nhưng chỉ có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử là thành danh hơn cả. Ông để lại các trước tác Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Bạch Vân thi tập.

Trần Văn Mỹ