Cha Thi

Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 15/08/2010

(HNM) - Tôi biết linh mục Nguyễn Đình Thi khi sang Pháp năm 1998. Qua giới thiệu, tôi được ông cho tá túc tại nơi ở của ông, phố Babeuf, thành phố Montreuil thuộc vùng Paris.


Đó là một biệt thự ở lưng đồi. Con đường dẫn lên kiến trúc cũ kĩ này như chảy tràn từ trên đồi xuống vì hàng liễu xanh mướt tôi chưa thấy đâu to bằng. Đây đó trong vườn, thấy cả những cành mận đang cho quả chín. Gọi biệt thự là chỉ cho đúng cách về một kiến trúc biệt lập, chứ nó đơn sơ lắm. Một vài ngôi nhà dài mới được làm thêm trong khuôn viên để tăng chỗ ở cho những người đến tá túc nơi đây ngày một đông. Những căn buồng được ngăn cách bằng những vách mỏng, đủ chỗ cho một người nằm, ngồi viết và mơ mộng. Đặc biệt là hầu như tất cả các phòng - thực ra là buồng - đều có cửa sổ nhìn ra khung cảnh tự nhiên với những cành liễu la đà, cành mận ngăn không cho khép cánh lúc vội... Không hiểu sao trong không gian ấy tôi lại có cảm giác sống lại thời sinh viên, có lẽ vì trời đất quá thanh sạch bên khung cửa sổ nhìn ra cây mận. Cha Thi ở một căn phòng nhỏ có sàn bằng gỗ trên tầng hai của ngôi biệt thự. Nó vừa thật vừa vặn để vừa là phòng ngủ vừa là nơi tiếp khách của chủ nhân với khá nhiều sách trên giá.

Quanh tôi là những người Việt sang bổ túc chuyên môn, cha Thi cho ở nhờ. Dù một ngày hay cả tháng, thậm chí cả năm, tiền ăn đóng cho cô gái nhỏ tên Hồng Lý. Nghe nói, Lý là cháu của cha. "Khách trọ" ở biệt thự có hàng liễu - lúc đông lên tới vài chục - phần lớn là người khu Bốn: giảng viên Đại học Vinh, bác sĩ Bệnh viện y học dân tộc Hà Tĩnh và cả những học trò mạn Bắc sang học tiếng… Họ như một đàn chim trú đông, có người khi về nước để lại cả đống mì ăn liền, rau, ớt và cả bột giặt nữa... Ai cũng ơn cha vì được tá túc; sức mấy thuê được chỗ nào vừa túi tiền quanh Paris hoa lệ đặng hoàn thành khóa tu nghiệp nơi trời Tây trong mấy tháng, thậm chí là cả năm...

Tôi tiếng là phóng viên đi làm về Cúp bóng đá thế giới, nhưng nghèo thê thảm, dù Sứ quán Pháp và báo nhà có cho tiền đi lại. Được người cho ở nhờ là phúc phận đẹp lắm rồi. Còn vào sân đừng hy vọng, may được một gia đình Pháp cho tấm vé, vào tận Sân vận động Stade de France xem trận Đan Mạch - Nigeria. Thế là đành hằng ngày ra những nơi có màn hình cả ngàn người xem hóng hớt và mua tờ L'Equipe về dịch tin bên lề - bên lề thôi - chứ diễn biến chính về các trận đấu thì ở nhà lấy Thông tấn xã Việt Nam còn nhanh hơn. Bởi lẽ, rất ác, là bưu điện công cộng Paris lúc đó không nhận fax về Hà Nội, đành cứ để tập tin dịch trong túi, đi đâu nhờ được là fax về. Chậm, và "thiu", tất nhiên, đến nỗi ở bản báo có người kêu "tiếng thế mà cũng là có phóng viên đi làm Cúp thế giới".

Biết là bại về thể thao, tôi xoay sang mảng văn hóa, không cần nhanh mà lại là sở trường. Ngoài người quen, tôi nhờ cha Thi. Ông  giới thiệu tôi đến một nhà nghiên cứu sử, một giảng viên Việt Nam học ở Đại học Paris VI, một bà bán phở có quan hệ rất rộng… Rồi tôi biết mình đang tiếp cận với những người khá thượng lưu, tỉ như bà Mộng Điệp, người tình một thuở của cựu hoàng Bảo Đại. Tất cả những gì nhặt nhạnh được, tôi viết thành bài báo dài kỳ "Xa xứ", được nhiều người tìm đọc, rồi lại lĩnh giải Hội Nhà báo Việt Nam. Tất nhiên, tôi báo với cha Thi, rằng nhờ ông mới được vậy.

Thỉnh thoảng cha Thi về nước, gọi tôi. Nhỏ bé dần theo tuổi tác, người gập lại, cha Thi di chuyển ngày một vất vả, mà ông bận kinh khủng. Là người chủ trương, điều hành hội Huynh Đệ Âu - Á, ông đến các nơi vận động tài chính đem về nước. Ngót hai chục năm trước, các hoạt động phi chính phủ còn thưa thớt và chưa được thông cảm như bây giờ, vượt qua rào cản về nhận thức, văn hóa, đạo đức… không dễ. Cha Thi mở một cơ sở học nghề ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), vài lớp cắt may ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) quê ông. Rồi cái khách sạn của Hội Huynh đệ trên đường Giải Phóng Hà Nội, đến mùa thi lại cho sĩ tử từ các tỉnh ra tá túc với giá rẻ. Những năm cuối đời tuy đau ốm nhiều nhưng ông mang phúc cho nhiều người, theo cái cách của mình: "Không cho gạo, mà tìm cách để họ làm ra hạt gạo".

Một ông linh mục làm việc thiện, giúp kẻ khó, điều ấy dễ nhận. Dần dà, tôi phát hiện ra đấy là vị trí thức có tinh thần hướng về dân tộc. Từ trẻ, ở Sài Gòn, ông viết những tiểu luận, bài nghiên cứu có tính chất nhận đường, thể hiện tâm trạng băn khoăn khá phổ biến. Mấy chục năm ở Pháp, ông giữ quốc tịch Việt, giúp đỡ phái đoàn ta ở hòa đàm Paris, có quan hệ rộng rãi với nhiều giới chức ở cả hai miền thời còn chia cắt. Làm được cái gì cho đất nước, dân tộc là làm, nhưng thiên về những thân phận vô danh hơn. Vì thế, sau này ông có mối quan tâm khá đặc biệt để giúp đỡ NXB Kim Đồng đưa ấn phẩm ra nước ngoài...

Nhiều năm qua, cha Thi về ở hẳn TP Hồ Chí Minh, vẫn tiếp tục công việc từ thiện. Đầu năm nay, ông đã rất yếu, nhắn tôi vào ghi cho một thứ như là hồi ký, hồi ức gì đó. Nhưng tôi phải từ chối, dù rất muốn: không thể nghe ra cha nói gì.
Giờ thì không gặp được nữa. Nhiều ý định viết lách, nghiên cứu của ông vẫn còn dang dở. Nhà cha Thi có những thứ rất quý, như từ điển Việt - Bồ xuất bản từ đầu thế kỷ XIX. Linh mục đã về nước Chúa (ngày 25-7), mang theo tinh thần của người trí thức yêu dân tộc.

Hoàng Định