Bao giờ mới mạnh?

Văn hóa - Ngày đăng : 06:33, 15/08/2010

(HNM) - Ngay từ khi ra đời, sân khấu Việt Nam đã tự làm tự ăn, bầu gánh bỏ tiền ra dựng vở, có khi là tiền các nghệ sỹ góp. Cứ thế mà sống, mà diễn. Sân khấu phía Bắc từng có thời kỳ manh nha theo xu hướng xã hội hóa khi xuất hiện các câu lạc bộ như: Sân khấu thể nghiệm của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Câu lạc bộ Chèo ở 15 Nguyễn Đình Chiểu.

Khi Bộ VH-TT&DL chủ trương cổ phần hóa các nhà hát hay nói cách khác là xã hội hóa các đơn vị sân khấu quốc doanh phía Bắc cách đây gần 3 năm đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Dù tranh luận sôi nổi tại nhà hát, người quản lý trả lời phỏng vấn báo chí, song có thể thấy các nghệ sỹ còn rất mù mờ về chủ trương này. Thậm chí ngay những người trong cuộc vẫn hiểu một cách rất… nghệ sĩ. Người này cho rằng xã hội hóa là tư nhân hóa toàn bộ, người khác lại hiểu theo cách cổ phần hóa các đơn vị nghệ thuật và Nhà nước chiếm số phần trăm vốn lớn nhất. Lại có ý kiến than thở, cuối cùng lại trở về gánh hát thuở xưa mà ta đã cố công chuyên nghiệp hóa…

Bây giờ thì các đơn vị sân khấu ở phía Bắc hiểu xã hội hóa sân khấu là thế nào. Thế nhưng từ lãnh đạo đến nghệ sỹ các nhà hát lại không muốn xã hội hóa. Tại sao họ lại không muốn có thêm nguồn kinh phí để cùng với vốn nhà nước đầu tư cho các chương trình chất lượng hơn? Tại sao nghệ sỹ không muốn được diễn nhiều hơn? Có nhiều lý do nhưng một trong những lý do đáng chú ý nhất là các nghệ sỹ phía Bắc sống nhờ bao cấp quá lâu, nếu rời bầu sữa mẹ không biết tương lai thế nào, cho dù lương tháng của họ nếu không diễn cũng chỉ nuôi sống được bản thân. Nhà hát Tuổi trẻ đi đầu trong phương thức hoạt động này, song cho đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào theo bước họ. Nhưng khi hỏi những nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ, có kinh nghiệm trong xã hội hóa nghệ thuật thì họ vẫn cho rằng, nên để họ bước ra một cách từ từ, có lộ trình, không thể cắt ngay nguồn kinh phí Nhà nước cấp hằng năm. Đến ngay như NSND Lê Khanh, người có duyên với sân khấu và có sức hút với khán giả còn thận trọng: Muốn ra gió phải đủ mạnh. Nhưng bao giờ thì mạnh? Câu trả lời là chưa biết. Thẳng thắn như NSƯT Chí Trung cũng đã phát biểu: Dại gì thoát ra ngay… Còn NSND Lan Hương lại luôn nhức nhối với câu hỏi, không biết có cách nào phá tan băng giá trong tâm trí khán giả để họ thực sự quan tâm tới kịch hình thể... Đó là ý kiến của các nghệ sỹ ở một đơn vị sân khấu năng động nhất phía Bắc mà như vậy thì nói gì đến các đơn vị khác.

Tuy nhiên, dù muốn hay không thì xã hội hóa vẫn cứ phải diễn ra vì Nhà nước không thể chu cấp mãi được. Mặt khác, nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua nghệ thuật sân khấu giờ đã khác trước. Vấn đề là các nhà hát, các nghệ sỹ nếu có tài năng thì sợ gì chuyện vở diễn vắng khán giả. Câu chuyện là ở chỗ phải "dũng cảm trước gió" chứ không phải là "mạnh mới ra gió".

Người Lái Đò