Người lái tàu dũng cảm

Chính trị - Ngày đăng : 08:20, 14/08/2010

(HNM) - Hơn một tuần qua, hình ảnh người lái tàu Trương Xuân Thức (tàu TN6, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) chấp nhận sự nguy hiểm về mình để cứu hơn 300 hành khách thoát nạn, liên tục nhận được sự quan tâm, ngợi ca của người dân trong cả nước.


Rời quân ngũ, Trương Xuân Thức đi học lái tàu rồi làm việc 22 năm ở Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. Là người có kinh nghiệm, thuộc lòng toàn bộ cung đường với các đoạn giao cắt, mọi thao tác, kỹ thuật xử lý, ứng phó đều đã thành phản xạ, ông Thức là một trong những lái tàu có ''thần kinh thép''.

Cung đường Hà Nội - Hà Nam vốn được cánh lái tàu coi là đoạn đường tử thần, nên người lái tàu luôn phải trong tư thế sẵn sàng. Đến đoạn qua xã Tiên Tân, có khúc cua và đường ngang dân sinh, ông Thức rú còi liên tục để cảnh báo. Khi tàu vừa ra khỏi khúc cua thì cách đầu tàu khoảng 100m, xuất hiện một xe ben màu vàng đang cố băng sang đường sắt. Ngay lập tức, ông Thức kéo cần hãm độc và giữ chặt cần cho đến khi đầu tàu va chạm với xe tải. Sau khi đâm và đẩy xe tải trên đường ray vài chục mét, đầu tàu cùng hai toa sau bị lật nghiêng, nhưng 11 toa chở hơn 300 con người được tai qua nạn khỏi.

Đồng nghiệp của ông Thức cho biết: Trong trường hợp này, ông Thức có thể hãm phanh rồi nhảy nhanh ra ngoài, hoặc gạt cần hãm, lùi lại 50-70cm thì chỉ bị thương nhẹ, thậm chí không có tổn thương. Kèm theo đó, tốc độ đoàn tàu sẽ giảm rất chậm, dẫn tới điều không thể tránh khỏi là tai nạn vô cùng thảm khốc. Nhưng ông Thức không lựa chọn như vậy. Ông đã dùng hết sức mình để giữ chặt cần gạt hãm khiến một tay bị dập nát. Khi tàu đâm vào chiếc xe ben tải, lực tác động đã bóp bẹp đầu tàu, khiến ông bị kẹp hỏng chân phải, cơ đùi dập nát, vỡ gót chân.

Một tuần trôi qua, ông Thức vẫn nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, gương mặt sạm đen với hàng chục mũi khâu vẫn còn hiện rõ nỗi đau đớn. Dù được các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Việt - Đức cứu chữa tận tình, nhưng do tổn thương quá nặng nề, ông Thức vẫn chưa qua giai đoạn nguy hiểm. Tay trái bị cắt cụt cách khuỷu chừng 2cm, chân phải cũng rất khó có thể hồi phục, mặt bị nhiều vết thương và toàn thân xây xát.

Nhiều năm nay, ông Thức sống cùng vợ và con gái trong căn hộ tập thể ở phòng 312, dãy G4, khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội. Không có xe máy, vợ chồng ông vẫn đạp xe đi làm, sống bình dị, chan hòa với đồng nghiệp và láng giềng. Vợ là nhân viên tạp vụ, con gái đang học cao đẳng, ông là lao động chính chu cấp cho gia đình. Hiện, ông Thức rất cần được hỗ trợ để chữa trị vết thương, bởi theo luật, các tai nạn lao động không được bảo hiểm chi trả.

Biết tin ông chữa trị tại Bệnh viện Việt - Đức, rất nhiều người thân và cả những người chưa hề quen biết đã tới thăm hỏi, động viên. Cán bộ, nhân viên Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội quyên góp tặng ông hơn 70 triệu đồng để vượt qua khó khăn. Bà Hồng Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Kim Đỉnh (Tây Hồ, Hà Nội) được người thân ủy quyền đã tới tặng ông Thức 5 triệu đồng. Bà cho biết: Bà và con gái biết về ông Thức qua những bài báo, hết sức cảm phục và biết ơn ông đã giành lại sự sống cho hơn 300 con người.

Chấp nhận sự nguy hiểm về bản thân để đem lại sự an toàn cho hơn 300 hành khách, ông Trương Xuân Thức xứng đáng được tôn vinh bằng hành động của những người anh hùng.

Linh Chi