Sóng ngầm dữ dội

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:53, 14/08/2010

(HNM) - Hai năm sau ngày bùng nổ cuộc chiến giữa Nga và Grudia tại Nam Ossetia (7-8-2008), những căng thẳng tại Caucasus không những không được giải tỏa mà còn được đẩy sang một giai đoạn mới tiềm ẩn những cơn sóng ngầm dữ dội trong cuộc tranh giành quyền kiểm soát các cửa ngõ then chốt vào biển Caspi, biển Đen, biển Baltic.


Đây vừa là mảnh đất che chắn sườn phía Nam của nước Nga, vừa là nơi có những đường ống dẫn dầu từ biển Caspi đến các thị trường đang khát năng lượng của phương Tây. Tuy nhiên, trong cuộc chiến mới vừa hình thành, diện mạo của các bên liên quan tại Caucasus đã thay đổi đáng kể.

Kể từ sự kiện Nam Ossetia, Nga đã xóa ván bài thua thiệt sau khi Liên Xô tan rã, làm lại ván bài mới trong thế thượng phong và đang tiến dần từng bước quan trọng mà không phải nhượng bộ trước các "đối tác". Chính sách mới liên quan tới Caucasus của Điện Kremlin hiện nay là sự đoạn tuyệt với hai thập kỷ ngoại giao bị động. Caucasus cũng như Trung Á đã trở lại là một ưu tiên chiến lược cả về an ninh và kinh tế nhằm củng cố vị trí chi phối toàn bộ không gian hậu Xô viết. Nước cờ mạo hiểm của Tổng thống Grudia Mikhail Saakashvili khi đưa đất nước Grudia vào cuộc chiến đã giúp Nga bắn một mũi tên trúng nhiều đích.

Thứ nhất, Tbilisi đã trao cho Mátxcơva một cơ hội vàng để công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia; đồng thời đảm nhận luôn vai trò bảo vệ an ninh cho hai vùng đất này. Từ chỗ chỉ hậu thuẫn một cách kín đáo thì nay quân đội Nga có đầy đủ lý do để hiện diện công khai tại hai vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng này. Các hiệp định mà Mátxcơva ký với Abkhazia và Nam Ossetia cho phép Nga duy trì 3.400 quân trong 49 năm. Đó là chưa kể đến những trang thiết bị quân sự tối tân như dàn tên lửa S-300 tại Abkhazia và nhiều phương tiện phòng không khác vừa được triển khai ở Nam Ossetia như thông báo từ xứ sở Bạch dương cách đây ít ngày. Như vậy, Nga không chỉ tăng cường đáng kể lực lượng bảo vệ những công trình phục vụ Thế vận hội Olympic lần thứ XXII tại Sochi bên biển Đen - cách Sukhumi, thủ phủ của Abkhazia khoảng 4km - vào năm 2014 mà về lâu dài còn tạo ra một tấm lá chắn thép che sườn phía Nam của Nga trước các mối đe dọa tiềm ẩn.

Thứ hai, việc hai tỉnh - vốn thuộc về Grudia trên nguyên tắc - đang ngày càng hội nhập vào khu vực ảnh hưởng của Nga cả về quân sự, kinh tế và chính trị sẽ tạo tiền đề để Mátxcơva triển khai những kế hoạch giải vây mới nhằm ngăn chặn sự ngả nghiêng của các quốc gia láng giềng trước sức lôi kéo của phương Tây. Qua đó, Mátxcơva sẽ đặt dấu chấm hết cho thời kỳ Caucasus được xem như một kiểu ngã tư giữa Nga - Mỹ - châu Âu - châu Á. Nói cách khác, đã đến lúc Nga đặt kỳ hạn cho cuộc chơi của Mỹ và phương Tây tại không gian truyền thống: Caucasus.

Như vậy, không có nghĩa Washington sẽ từ bỏ chiến lược từng theo đuổi suốt 20 năm qua nhằm tìm kiếm một chỗ dựa cách xa nước Mỹ tới hàng ngàn dặm nhưng vẫn được Nhà Trắng coi là "vùng lợi ích quốc gia". Vì thế, chính quyền Tổng thống Barack Obama về chiến thuật cho dù đã chuyển sự quan tâm sang Afghanistan và các nước Trung Á lân cận nhưng Caucasus vẫn sẽ là một trọng điểm chiến lược trong tương lai của Mỹ và phương Tây. Chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đến Azerbaijan, Armenia và Grudia cách đây hơn 1 tháng cho thấy rõ điều này. Do đó, vì những mục tiêu chiến lược, Washington sẽ không nhân nhượng trước những bước đi của Mátxcơva tại vùng đất hiểm yếu này.

Phải thừa nhận rằng, từ chủ trương "tái khởi động" của Tổng thống Mỹ B.Obama sau khi lên nắm quyền vào năm 2008, quan hệ giữa hai cựu địch thủ thời Chiến tranh lạnh đã được cải thiện rõ rệt. Hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, đáng kể nhất là Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới nhằm thay thế văn bản cũ đã hết hạn vào tháng 12-2009. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, những hoạt động này chỉ giúp cuộc cạnh tranh quyền lợi Nga - Mỹ bớt "ồn ào" hơn chứ chưa đủ để hóa giải hết những mâu thuẫn ẩn chứa trong các toan tính chiến lược giữa hai bên. Như vậy, ván cờ địa - chính trị mang tên Caucasus trong thời gian tới sẽ không kém phần khốc liệt.

Lâm Phương