Một mô hình đáng nhân rộng

Giáo dục - Ngày đăng : 07:08, 13/08/2010

(HNM) - Trước tình trạng học sinh (HS) đánh nhau mang tính chất bạo lực có xu hướng diễn biến phức tạp, Bộ GD-ĐT đã liên tiếp tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm tìm cách hạn chế điều đang gây lo lắng cho xã hội.

Trong rất nhiều giải pháp được đề cập, không ít người đã quan tâm tới một mô hình trường học dành cho đối tượng được coi là HS cá biệt, bởi những thành công hơn 20 năm qua của ngôi trường này không chỉ dừng ở chỗ "cứu" vài trăm HS mỗi năm mà còn xây dựng được "công nghệ" giáo dục HS chưa ngoan.

Biểu diễn “Cờ lau tập trận” của học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong lễ khai giảng.


Bài học từ 20 năm
21 năm trước, TS Nguyễn Tùng Lâm, khi ấy là Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã dũng cảm bắt tay xây dựng Trường Đinh Tiên Hoàng với mục đích giúp đỡ những HS gặp khó khăn về rèn luyện đạo đức và văn hóa. "Chọn" đầu vào là những HS không được chấp nhận ở những trường THPT khác, lại thường xuyên tiếp nhận HS bị đuổi học nên 60% số đó yếu kém về văn hóa, 20% yếu kém về đạo đức. Không biết có phải vì là một TS tâm lý giáo dục, hiểu được tâm sinh lý của lứa tuổi "nửa trẻ con, nửa người lớn" này không mà thầy Tùng Lâm đã "dám" gây dựng một mô hình chưa từng có tiền lệ và biết sẽ gặp nhiều khó khăn trên con đường tự khẳng định. Chỉ biết rằng, 21 năm qua, "Đinh kinh hoàng", cái tên được đọc trệch đi nhằm ám chỉ sự "đặc biệt" của ngôi trường này đã trở thành cái tên quen thuộc và được xã hội thừa nhận là một mô hình thành công.

Thực tế giáo dục cho thấy, ngày càng có nhiều HS tiêm nhiễm tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, không tuân thủ kỷ luật của nhà trường... bị các trường THPT loại bỏ. Vấn đề đặt ra là, nếu số HS này không được tiếp tục giáo dục bằng biện pháp phù hợp, các em có thể trượt dài và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nhưng làm sao dạy được đối tượng này và câu trả lời chính là mô hình Trường Đinh Tiên Hoàng. 21 năm qua, hơn 7.000 HS đã tốt nghiệp ở đây và trở thành người lao động có đạo đức, có nghề nghiệp, từ trình độ công nhân đến kỹ sư. Song quan trọng hơn, nói như GS-TS Phạm Minh Hạc "nhà trường là một minh chứng sáng tỏ lý thuyết của tâm lý học và khoa học giáo dục hiện đại: coi trọng tạo động lực tự học tập, tự rèn luyện, thức tỉnh được hoài bão, ước mơ của mỗi HS và nhân cách hình thành bằng hoạt động, hành động". Ông đánh giá rằng, bài học từ 21 năm qua của Trường Đinh Tiên Hoàng góp phần khẳng định trường phổ thông phải lấy việc hình thành và phát triển nhân cách của HS làm mục tiêu số một. Để làm được điều này, như tổng kết của thầy Nguyễn Tùng Lâm, nhà trường phải luôn tôn trọng HS, tạo cho các em cơ hội tự rèn luyện; đầu tư vào việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, giáo dục hướng nghiệp cho HS; giáo viên luôn được bồi dưỡng, cập nhật những phương pháp giáo dục tiên tiến, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục của nhà trường.

Một mô hình đáng nhân rộng
Dẫu gặt hái được không ít thành công trong việc xây dựng một mô hình giáo dục phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, nhưng dường như Đinh Tiên Hoàng lại "thất bại" trong việc "định cư". Cho đến giờ, hầu hết những trường dân lập cùng tuổi đều đã có nơi, có chốn thì mô hình đặc biệt này vẫn "lang thang".

Dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trường, PGS-TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý GD-ĐT đã lo rằng Trường Đinh Tiên Hoàng sẽ ứng xử thế nào trước hai vấn đề "vi nhân" và "vi phú": "Nếu nghiêng về vi nhân thì bất phú mà nghiêng về vi phú thì bất nhân". Lo lắng này không phải không có cơ sở bởi nếu chạy theo lợi ích kinh tế, có lẽ Trường Đinh Tiên Hoàng khó có thể giữ vững "tôn chỉ, mục đích" khi thành lập. Còn ngược lại, không có tiền thì giải quyết chuyện trường lớp sao đây?

"Chúng tôi cũng phải xoay xở nhiều năm bởi hiểu rằng có an cư mới lạc nghiệp. Với những gì đã gây dựng được, đã đến lúc và hoàn toàn có thể, trường phải có cơ sở vật chất ổn định. Để có thể toàn tâm, toàn ý và kiên tâm theo đuổi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học giáo dục, hoàn thiện mô hình trường cũng như góp phần thể nghiệm những triết lý giáo dục hiện đại, chúng tôi muốn "vi nhân" hơn "vi phú". Nghe nói, ngành GD-ĐT đang xây dựng đề án xã hội hóa giáo dục, trong đó có mục tiêu xây trường cho các cơ sở ngoài công lập thuê. Nếu điều này trở thành hiện thực, nó sẽ là giải pháp hợp lý cho Trường Đinh Tiên Hoàng" - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ trước những ngày bước vào năm học thứ 22 của mô hình rất đáng được thành phố quan tâm này. Một giải pháp trả lời cho câu hỏi, trường còn phải "ăn đậu, ở nhờ" đến bao giờ, chính là sự quan tâm thiết thực nhất.

Vân Vũ