Nhập khẩu... tai họa !
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:00, 13/08/2010
Trong khi đó, rùa tai đỏ đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xếp vào một trong 206 loài động vật xâm hại môi trường nguy hiểm nhất trên thế giới. Không tiêu thụ được số hàng trên, đã có 9 tấn rùa được nuôi ở ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bị chết. Nhưng đáng lưu ý hơn, không hiểu vì lý do gì, một lượng không nhỏ số rùa trên đã thoát ra ngoài.
Lại nói về chuyện nhập khẩu. Đơn vị xin nhập, cấp trên đồng ý, thì chuyện mua ngay, nhập ngay cũng là việc thường tình. Ối đơn vị đã làm thế, nào có chết ai!
Ngày xưa, người ta nhập cây mai dương về trồng, dù nó đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xếp vào một trong 100 loài sinh vật xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới, để đến bây giờ hàng vạn hécta đất của 45 tỉnh, thành phố đang khốn khổ vì sự xâm lấn của loại cây này, nhưng hỏi xem đã có "ông nào" ngày ấy nhập thứ cây độc hại này về, đã bị xử lý? Sai, tập thể chịu cả rồi!
Thêm chuyện ốc bươu vàng tràn vào Việt Nam những năm 1986, sau đó nó còn được nuôi với quy mô công nghiệp vào năm 1992, để nó trở thành thảm họa môi sinh mà đến tận bây giờ dân ta vẫn phải tiếp tục "ra quân" diệt ốc. Rồi chuyện nhập khẩu và mở trang trại nuôi con Hải Ly (chuột biển) gây tai họa do loài chuột này đẻ khỏe, tàn phá tất cả các loại cây trồng xung quanh, khiến bao người dân trong vùng khốn đốn.
Cả chuyện con cá hoàng đế, thứ cá hung dữ chuyên ăn thịt các loài thủy sinh, được dân ta nhập về nuôi làm cảnh và kinh doanh, giờ đang làm đau đầu Ban Quản lý hồ Trị An, bởi nó là mối nguy hại đủ khả năng giết chết sinh thái con hồ thủy điện này.
Nói những chuyện nhập khẩu ấy, không đơn thuần là đưa ra những con số làm ví dụ, để cảnh báo một tai họa hiện hữu, mà sâu xa hơn, làm sao nhìn cho được cái tâm, cái tầm của người làm công tác quản lý. Ai đã đề xuất, thậm chí có hẳn cả những "nghiên cứu khả thi" về việc nhập các loài động, thực vật được coi là những loài xâm hại môi trường nguy hiểm nhất thế giới ấy, để rồi những ai đó, cơ quan nào đó đã cho nhập khẩu, nhân rộng mô hình này gây nên hậu quả tai hại hôm nay, có tự vấn mình?
Dân là người chịu hậu quả nặng nề nhất do việc nhập các loài động, thực vật này. Ngân sách địa phương cũng hao tổn không ít cho việc ra quân làm sạch các loài động, thực vật ấy. Chỉ có những người đã gieo hậu quả ấy cho dân, ai còn tại vị, ai đã "hạ cánh", chả lẽ vẫn bình an vô sự?
Mà họ vẫn bình an thật. Tự nhận hiểu biết hạn chế, không phải cố ý gây hậu quả nghiêm trọng, họ xin rút kinh nghiệm… là xong. Những minh chứng về cái tâm, cái tầm cho bài học trong công tác cán bộ và quyết sách làm kinh tế, xin đừng coi là cũ, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào.