Vedan đã phải chấp nhận bồi thường gần 120 tỷ đồng cho nông dân Đồng Nai

Đời sống - Ngày đăng : 07:39, 12/08/2010

Tổng số tiền Vedan bồi thường cho 3 địa phương là gần 219 tỷ đồng (HNM) - Ngày 11-8, Công ty CPHH Vedan Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, chấp nhận bồi thường gần 120 tỷ đồng cho bà con nông dân tỉnh này.

Bồi thường "có điều kiện"!



Ông Yang Kun Hsiang xin lỗi người dân 3 địa phương về sự chậm trễ trong

 thương lượng mức bồi thường đền bù thiệt hại.


Gần 120 tỷ đồng này là số tiền UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Vedan bồi thường trong công văn ngày 21-6-2010. Văn bản do ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan ký, giải thích rằng trước đó công ty đã không đồng ý bồi thường số tiền này, nhưng để giải quyết hợp tình, hợp lý và dứt điểm sự việc nên đã chấp nhận thực hiện đúng theo yêu cầu của tỉnh. Cũng như các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) và TP Hồ Chí Minh, Vedan đề nghị số tiền này được thanh toán làm 2 đợt: đợt một chuyển 50% trong vòng 7 ngày kể từ ngày tỉnh Đồng Nai có văn bản đồng ý, đợt hai chuyển từ ngày 10 đến 14-1-2011. Số tiền thanh toán đợt hai sẽ được bảo lãnh của ngân hàng để bảo đảm thanh toán theo quy định.

Trong công văn, Vedan cũng kèm theo điều kiện: "Số tiền bồi thường của Công ty Vedan nói trên là toàn bộ số tiền bồi thường cho người dân bị thiệt hại của tỉnh Đồng Nai từ thời điểm hiện nay trở về trước trên lưu vực sông Thị Vải nêu trên của tỉnh. Người dân bị thiệt hại của tỉnh Đồng Nai nêu trên không khởi kiện Công ty Vedan ra tòa án. Các khiếu nại bồi thường (nếu có) sẽ không thuộc trách nhiệm của Công ty CPHH Vedan Việt Nam".

Trước đó, năm 2009 Vedan đề nghị "hỗ trợ" nông dân bị thiệt hại 7 tỷ đồng. Năm 2010 Vedan 3 lần nâng mức "hỗ trợ": tháng 3 là 15 tỷ đồng; ngày 24-7 là 30 tỷ đồng; tiếp đó ngày 28-7 nâng lên 60 tỷ đồng. Ngày 9-8, trong cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo ba tỉnh, dù đã đồng ý bồi thường cho TP Hồ Chí Minh và BRVT theo tính toán của Viện MT&TN là 45,7 tỷ đồng và 53,6 tỷ đồng nhưng Vedan vẫn "cù cưa", "trả giá" cho Đồng Nai là 70 tỷ đồng!

Phải hỏi ý kiến người dân



Nông dân tỉnh Đồng Nai đã từng biểu quyết đồng ý với mức bồi thường mà Vedan
đưa ra thấp hơn con số gần 120 tỷ đồng rất nhiều. Ảnh: Thùy Linh


Ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai xác nhận đã nhận được văn bản đề nghị bồi thường của Công ty Vedan. Ông Thinh cũng cho biết, vì bà con nông dân đã nộp hồ sơ kiện Vedan ra tòa rồi nên tỉnh sẽ sớm họp dân để hỏi ý kiến có chấp nhận mức bồi thường của Vedan hay không. Nếu dân đồng ý mức bồi thường thì rút đơn kiện, còn không thì tiếp tục kiện.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai cho biết chưa nhận được thông báo nào từ UBND tỉnh, vì vậy các luật sư vẫn tiếp tục về các xã hướng dẫn nông dân viết đơn khởi kiện. Trong ngày 11-8 có hơn 100 đơn của bà con nông dân xã Phước Thái nộp lên tòa án. Như vậy đến nay đã có hơn 1.200 đơn khởi kiện của nông dân tỉnh Đồng Nai nộp lên tòa án hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành.

Đồng Nai là địa phương cuối cùng chưa thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại với Vedan. Đây là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất vì là nơi Công ty Vedan có trụ sở, tuy nhiên cũng là nơi bà con nông dân chịu thiệt thòi nhất khi Hội Nông dân tỉnh luôn "định hướng" nhận tiền "hỗ trợ" thay vì kiên quyết khởi kiện ra tòa. Thậm chí, Hội Nông dân tỉnh đã từng ký thỏa thuận đồng ý cho Vedan bồi thường chỉ có 15 tỷ đồng! Tuy nhiên, văn bản này không có hiệu lực pháp lý do Hội chưa được ủy quyền trực tiếp của nông dân. Cho đến "giờ G", khi bà con nông dân BRVT đã nộp đơn lên tòa án và TP Hồ Chí Minh chuẩn bị xong đơn thì các ban, ngành tỉnh Đồng Nai mới bắt đầu "định hướng" cho bà con trong tỉnh khởi kiện!

Thỏa thuận đền bù vẫn phải bảo đảm quyền khởi kiện ban đầu

Đó là quan điểm của các luật sư đang bảo vệ quyền lợi cho nông dân trong vụ kiện Công ty CPHH Vedan Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị thiệt hại trong trường hợp Vedan không thực hiện thỏa thuận.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, một trong bốn luật sư bảo vệ quyền lợi cho nông dân TP Hồ Chí Minh trong vụ kiện cho rằng, buộc Vedan đồng ý chi trả bồi thường mới chỉ là bước đầu. Những bước quan trọng tiếp theo phải thực hiện là thỏa thuận pháp lý và thực hiện thỏa thuận đó, nhằm mục đích cuối cùng là tiền bồi thường phải đến tay bà con bị thiệt hại. Ông Nghĩa cho biết, các luật sư đang nghiên cứu cơ sở pháp lý để văn bản thỏa thuận vẫn bảo vệ quyền khởi kiện ban đầu trong trường hợp Vedan không thực hiện thỏa thuận. Các luật sư sẽ sớm hoàn thành văn bản để chuyển đến Hội Nông dân TP, cố gắng cuối tuần này ký kết thỏa thuận với Vedan trên tinh thần nhanh chóng giải quyết vụ việc.

TP Hồ Chí Minh không chủ quan, tiếp tục hoàn thiện đơn kiện

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cho biết, Hội không chủ quan với kết quả đã đạt được nên vẫn tiếp tục hướng dẫn nông dân Cần Giờ hoàn thiện đơn khởi kiện để trong trường hợp bất trắc, nông dân vẫn khởi kiện đúng thời hiệu (ngày 12-9). Chỉ đến khi nào văn bản được ký xong và Vedan thực hiện chuyển tiền vào tài khoản thì mới dừng việc hoàn tất đơn lại. Dự kiến thỏa thuận bồi thường sẽ được ký vào cuối tuần này.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn tất việc nộp đơn

Luật sư Vũ Bá Thanh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư BRVT cho biết, 1.254 hồ sơ khởi kiện của bà con BRVT đã được nộp lên tòa án huyện Tân Thành. Hiện các luật sư cũng đang phối hợp với các cơ quan trong tỉnh soạn thảo văn bản pháp lý để Vedan bồi thường 53,6 tỷ đồng. Văn bản sẽ nêu cụ thể về thời gian và tài khoản để Vedan chuyển tiền. Địa phương cũng đã lên phương án chi trả tiền bồi thường cho bà con ngay khi nhận được tiền bồi thường của Vedan.

Đặng Loan